Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân và Thiên An trình bày sau đây:
Tin Tức: Thứ Ba, ngày 10/05/2022
1) GẦN 200 TRẬN ĐỘNG ĐẤT XẢY RA Ở TỈNH KONTUM.
Trong vòng 3 ngày qua, lại có thêm 5 trận động đất với cường độ từ 2.6 đến 3.4 Richter ở tỉnh KonTum, nâng tổng số lên đến 200 trận động đất được ghi nhận trong một năm qua.
Các vụ động đất này đã dẫn đến nguy cơ báo động tại tỉnh Kon Tum, với người dân đang sống trong tình trạng phập phồng mỗi ngày. Sau 3 trận động đất vào ngày 6/5, đến ngày 8/5 lại có thêm 2 trận và mới nhất là trận động đất có cường độ 3 Richter vào ngày hôm qua.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết nguyên nhân xảy ra động đất là do tác động của các đập thủy điện và hồ chứa nước được xây dựng tràn lan suốt mấy năm qua. Ông Anh dẫn chứng là các trận động đất liên tiếp xảy ra sau khi đập thủy điện Thượng KonTum bắt đầu phát điện vào ngày 24/3 năm ngoái. Tính từ tháng 4 năm ngoái, khu vực này đã xảy ra gần 200 cơn địa chấn, gấp 5 lần các vụ động đất được ghi nhận từ năm 1903 đến năm 2020.
Đáng nói là cường độ động đất càng lúc càng gia tăng, từ 1 độ Richter đã lên đến mức hơn 3 độ Richter trong mấy tháng qua.
2) HÀNG TRĂM TRẺ EM VN CHẾT ĐUỐI TRONG VÒNG 4 THÁNG QUA.
Làn sóng trẻ em VN bị thiệt mạng vì chết đuối trong các ao hồ và sông rạch đã lên đến 115 em trong vòng 4 tháng qua. Chỉ riêng hai tuần cuối tháng 4 vừa qua, đã có đến 14 trẻ em chết đuối.
Con số thống kê nói trên do bộ lao động thương binh VN công bố vào chiều thứ Hai ngày 9/5, với một cặp cha mẹ đã ngất xỉu khi hay tin 3 đứa con cùng bị chết đuối.
Theo loan báo của Cục Trẻ em thuộc bộ lao động, trong 5 năm qua, số tai nạn gây thương tích cho trẻ em VN đã sụt giảm nhưng tỷ lệ vẫn cao gấp 3 lần so với các nước tiền tiến, đặc biệt là trong độ tuổi từ 1 đến 14. Cũng theo cục này, con số tử vong cao nhất vẫn là do chết đuối. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 115 trẻ em thiệt mạng vì chết đuối trong sông rạch hay ao hồ.
Để ứng phó với vấn nạn này, bộ lao động VN đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống chết đuối ở trẻ em. Tuy nhiên biện pháp tốt nhất mà các nước tiền tiến đang áp dụng là nỗ lực huấn luyện khả năng bơi lội cho trẻ em.
3) TRUNG CỘNG VỪA KẾT THÚC CUỘC TẬP TRẬN SÁT ĐÀI LOAN.
Quân đội Trung Cộng đã bất ngờ mở cuộc tập trận gần Đài Loan vào tuần trước với mục đích là nhằm gia tăng khả năng phối hợp tác chiến giữa các binh chủng.
Trong hai năm qua, máy bay Trung Cộng liên tiếp xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan, với số lượng càng lúc càng nhiều ở không phận phía Nam và Tây Nam. Vào hôm 6/5, chiến đấu cơ Đài Loan đã phải bay lên ngăn chận 18 máy bay Trung Cộng xâm nhập vào không phận của họ.
Trong thông cáo đưa ra vào hôm qua, bộ tư lệnh quân khu miền Đông Hoa Lục cho biết là lực lượng hải quân và không quân của họ đã tiến hành cuộc tập trận từ ngày 6/5 đến 8/5 ở phía Đông và Tây Nam Đài Loan nhằm “cải thiện khả năng phối hợp tác chiến của hai binh chủng”. Quân đội Đài Loan cho biết cuộc tập trận có sự tham gia của các oanh tạc cơ, chiến đấu cơ và máy bay chống tàu ngầm.
Đài Loan đã đặt trong tình trạng báo động ngay sau khi nước Nga mở cuộc xâm lăng Ukraine vào ngày 24/2.
4) KHỐI ÂU CHÂU ĐANG TÍNH ĐẾN VIỆC TỊCH THU TIỀN BẠC CỦA NGA.
Thay vì phong tỏa trương mục, khối Liên hiệp Âu châu đang cân nhắc đến việc tịch thu toàn bộ lượng ngoại tệ dự trữ của Nga ở các ngân hàng trên thế giới.
Theo tiết lộ của ông Josep Borrell, phó chủ tịch Ủy ban Âu châu đặc trách về an ninh và đối ngoại, khối Âu châu đang tính đến việc tịch thu lượng ngoại tệ dự trữ của Nga hiện đang bị các nước phong tỏa. Nguồn tiền này sẽ được chuyển cho Ukraine để tái thiết đất nước sau khi đánh bại cuộc xăm lăng của Nga.
Ông Borrell không cho biết là các số tiền đang bị phong tỏa lên đến bao nhiêu tỷ Mỹ kim, nhưng nhấn mạnh là việc tịch thu lượng tiền này là phù hợp với thông lệ quốc tế, điển hình là việc Hoa Kỳ đã làm điều tương tự đối với Afghanistan sau khi phiến quân Taliban chiếm được chính quyền tại quốc gia này.
Trong khi đó, các thống kê mới nhất cho thấy lượng hàng hóa Trung Cộng xuất cảng sang Nga đã sụt giảm đáng kể vào tháng 4, ngược lại Trung Cộng gia tăng nhập cảng thêm dầu khí, than đá và nông sản của Nga.