TIN TỨC: Thứ Sáu, ngày 07 tháng 10 năm 2022

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Vân Khanh&Bá Cơ trình bày sau đây.

      DLSN07102022bis TT

TIN TỨC: Thứ Sáu, ngày 07 tháng 10 năm 2022

VIỆT NAM CÓ THÊM HAI TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ MỚI NHẤT

Vào hôm qua, thứ Sáu 6/10, bạo quyền tỉnh Kiên Giang đã kết án ông Nguyễn Văn Nghĩa 7 năm tù và bà Dương Thị Bé 5 năm tù với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ nhà nước”.

Theo cáo trạng, vào năm 2014 ông Nguyễn Văn Nghĩa vào trang chủ của tổ chức “Chính phủ VN Lâm thời” để tìm hiểu và đến năm 2018 thì tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý, bầu ông Đào Minh Quân làm tổng thống VN. Ông Nghĩa bị cho là lôi kéo nhiều người gia nhập tổ chức nói trên, trong đó có bà Dương Thị Bé, bạn gái của ông, cùng một số thành viên lực lượng vũ trang tại VN. Ông Nghĩa đến cuối năm 2021 được giao nhiệm vụ làm phát ngôn nhân chính thức của tổ chức này ở trong nước.

Cần biết là vào ngày 30/9 vừa qua, bạo quyền tỉnh An Giang cũng tuyên án 12 năm tù đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Tiền cùng với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” vì đã tham gia tổ chức nói trên.

Cái gọi là “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” của Đào Minh Quân là một tổ chức bị dư luận trong nước, nhất là các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ vì   khiến nhiều người dân yêu nước vướng vòng lao lý, nhưng không có động thái bênh vực hay lên tiếng cho nạn nhân.

ÂN XÁ QUỐC TẾ CHỈ TRÍCH VIỆT NAM KHI ỨNG CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LHQ

Tổ chức Ân xá Quốc tế lên án VN là trong khi ra tranh cử Hội đồng Nhân quyền LHQ vẫn tiếp tục bắt bớ những người đấu tranh cho nhân quyền và ban hành các đạo luật nhằm bịt miệng các tiếng nói đối lập.

Tuyên bố nói trên của tổ chức này được đưa ra khi chỉ còn một tuần nữa là LHQ tổ chức phiên họp để bầu lại 14 quốc gia vào hội đồng nhân quyền, với nhiệm kỳ năm 2023 đến 2025. VN là một trong 6 nước ứng cử cho 4 ghế ở khu vực Á châu vào hội đồng nhân quyền, một tổ chức bảo vệ quyền làm người trên toàn cầu.

Trong lá thư gửi đi, Ân xá Quốc tế khẳng định tính “hai mặt” của nhà cầm quyền VN là kể từ khi tuyên bố ứng cử, hàng chục nhà đấu tranh ở VN bị bắt bớ và kết án tù. Theo tổ chức này, bạo quyền VN tiếp tục thông qua các đạo luật siết chặt quyền tự do ngôn luận và lập hội.

Bạo quyền CS Việt Nam từ đầu năm đến nay bắt giữ khoảng 30 nhà bất đồng chính kiến với các cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Nhiều chính phủ dân chủ và tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi Hà Nội xóa bỏ hoặc chỉnh sửa hai điều luật trên để phù hợp với các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.

Ân xá Quốc tế là một trong nhiều tổ chức phi chính phủ đã bày tỏ sự phản đối Việt Nam lọt vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Trước đó, tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng Việt Nam không xứng đáng trở thành thành viên của hi đồng vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình và sẽ là “nhân tố phá hoại” nếu được bầu vào tổ chức này.

THẢM SÁT Ở TRƯỜNG HỌC THÁI LAN: ÍT NHẤT 36 NGƯỜI BỊ SÁT HẠI

Ít nhất 36 người bị sát hại, gồm 23 trẻ em, và 12 người khác bị thương trong vụ xả súng tại một trường mẫu giáo ở tỉnh Nong Bua Lamphu thuộc miền bắc Thái Lan.

Cảnh sát cho biết hung thủ là một cựu cảnh sát, tên là Panya Kamrab 34 tuổi và đã tự tử sau vụ xả súng và đâm dao khiến 23 trẻ em thiệt mạng, trong đó có ba đứa trẻ 2 tuổi. Giới báo chí địa phương cho biết là người này đã sát hại cả gia đình của mình trước khi chạy đến ngôi trường này.

Hung thủ Panya Kamrab bị sa thải vào năm ngoái vì xử dụng ma túy. Đây là một biến cố thảm khốc tại Thái Lan, nơi có tỷ lệ bạo lực vì súng đạn tương đối cao nhưng lại hiếm khi xảy ra vụ nổ súng tại trường học.

Vụ việc tương tự gần nhất tại Thái Lan là vụ 29 người bị giết trong vụ một binh sĩ xả súng tại một trung tâm thương mại.

Tỉnh Nong Bua Lamphu nằm cách thủ đô Bangkok khoảng 500 cây số về hướng bắc.

TRUNG CỘNG ĐANG ĐỐI MẶT VỚI DỊCH BỆNH VŨ HÁN MỚI

Trung Cộng vào hôm thứ Tư 5/10 ghi nhận 1138 ca nhiễm dịch Vũ Hán mới, một con số cao nhất kể từ ngày 9/9. Riêng khu tự trị Nội Mông có 457 ca nhiễm và một số thành phố đang bị phong tỏa, với nhiều tuyến đường sắt tạm ngưng hoạt động.

Tình hình này gây thêm phức tạo cho đại hội đảng cộng sản Trung Hoa lần thứ 20, với giới chức y tế đang thắt chặt hơn các biện pháp hạn chế đi lại giữa các tỉnh thành. Chỉ cần nhiễm bệnh, các chứng nhận y tế trên điện thoại di động sẽ chuyển sang màu da cam và nếu điều này chưa đủ thì bị cấm đi lại.

Đối mặt với các biện pháp y tế, các cuộc biểu tình càng ngày càng gia tăng, điển hình là tại tỉnh Tây Song Bản Nạp. Người biểu tình đã gào thét khi công an mặc bộ đồ trắng và cầm súng trường xông vào phi trường để giữ an ninh. Hình ảnh những du khách tức giận vì phải qua đêm tại khách sạn bằng tiền bạc của họ đã lan truyền trên mạng.

Trong khi đó, các video xuất phát từ khu tự trị Tân Cương, một khu vực được giám sát nghiêm ngặt, cho thấy có hơn 50 khu vực đang nhiễm dịch. Phó chủ tịch khu vực này đã gửi lời xin lỗi đến các khu vực này vì tình trạng thiếu thốn các bộ xét nghiệm và tình trạng lan nhiễm sang các tỉnh khác.

MỘT CÔNG DÂN NHẬT BỊ ÁN TÙ 10 NĂM TẠI MIẾN ĐIỆN

Một nhà làm phim tài liệu người Nhật vừa bị tập đoàn quân phiệt Miến Điện ra mức án tổng cộng 10 năm tù với cáo buộc nổi loạn và vi phạm đạo luật liên lạc thông tin.

Người vừa bị kết án nặng nề nói trên là ông Toru Kubota 26 tuổi, bị bắt giữ lần đầu tiên vào tháng 7 vừa qua tại một cuộc biểu tình chống tập đoàn quân phiệt ở thành phố Yangon. Ông bị kết án 3 năm tù với cáo buộc nổi loạn và 7 năm tù vì đạo luật thông tin. Trong tuần tới, ông Kubota sẽ phải ra hầu tòa với cáo buộc vi phạm luật nhập cư.

Theo thông tấn xã Kyodo, tập đoàn quân phiệt Miến Điện khẳng định là Kubota nhập cảnh vào Miến Điện từ Thái Lan bằng thị thực du lịch và đã tham gia vào các cuộc biểu tình từ năm 2021. Ông Kubota đã làm phim về người tỵ nạn Rohingya ở Nhật vào năm 2014 và đang làm một số bộ phim về các vấn đề sắc tộc ở Miến Điện.

You May Also Like