Thưa quý thính giả, –
Phạm Đoan Trang là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ. Trong nhiều tác phẩm đấu tranh của cô chúng tôi đã chọn cuốn” Cẩm nang nuôi tù” để giới thiệu với thính giả vì nó rất cần thiết cho rất nhiều gia đình có thân nhân đang bị bạo quyền cầm tù. Hơn nữa làn sóng bắt bớ vẫn đang lan rộng nên sẽ có nhiều người sẽ phải ở trong thân phận” nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
Sau đây mời quý thính giả theo dõi phần tiếp theo của Cẩm Nang Nuôi Tù với giọng đọc của Bảo Trân và Hướng Dương
CẨM NANG NUÔI TÙ(tiếp)
Phạm Đoan Trang
– Em nói em chơi, không làm gì cả, thì em lấy đâu ra tiền mà đi? – Anh không thấy có những thằng đi buôn sắt vụn, không học
hành gì mà còn thành tỷ phú à?
– Đấy là người ta thế, chứ em chơi thì lấy đâu ra tiền? – Thế mà tôi lại chơi ra tiền đấy. (Gắt lên)
Tôi nhắc lại:
– Tôi không làm gì sai. Các anh mời tôi về đây, bây giờ rất là muộn rồi, tôi không muốn “làm việc” với các anh. Tôi không rảnh để ngồi đây với các anh. Thời gian đó tôi đi làm việc có ích cho xã hội này, đất nước này. Thế nên tôi về.
– Anh nói anh ngồi chơi cũng ra tiền. Thế nên anh cứ ngồi đây mà chơi.
– Tôi nói cho các anh biết. Tôi chơi nhưng tôi chọn người mà chơi, không phải ai tôi cũng chơi. Nhắc lại là tôi không làm gì sai cả. Tôi không có thời gian ngồi đây chơi với các anh.
Cán bộ dõng dạc:
– Chúng tôi cũng xin nhắc lại cho anh, chúng tôi được Nhà nước giao phó làm nhiệm vụ được Hiến pháp, pháp luật quy định. Chúng tôi có quyền làm việc với anh. Chúng tôi có quyền yêu cầu anh làm việc.
– Vậy các anh cứ tiến hành theo quy trình của pháp luật đi.
– Chúng tôi được pháp luật cho phép.
– Thế à? Các anh đang làm sai, đang vi phạm pháp luật đấy.
Còn nếu tôi sai, các anh cứ việc bắt, cứ việc khởi tố.
Cán bộ trừng mắt:
– Anh không phải thách thức chúng tôi. Để đến lúc đó thì anh không dám phát ngôn như bây giờ đâu.
Bốn con mắt nhìn nhau trừng trừng. Tôi cáu kỉnh: Tôi nói lại với các anh: Tôi chẳng làm gì sai mà phải sợ. Tôi luôn tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Có sai thì pháp luật quy định. Nếu tôi sai, các anh cứ việc khởi tố. Bây giờ tôi không có thời gian để mà ngồi chơi với các anh.
– Lần sau đi đâu, anh nên hỏi trước để đỡ mất công đi.
– Các anh vi phạm pháp luật mà tôi phải báo cho các anh à? Việt Nam có hơn 90 triệu dân, ai đi du lịch như tôi cũng phải
báo các anh à?
– Đúng. Công dân xuất cảnh, đi đâu làm gì cũng phải khai báo.
– Vấn đề xuất cảnh, tôi đã nói rồi. Khi khai báo đi đâu, tôi cũng nói rồi: Tôi đi du lịch. Chẳng nhẽ du lịch mà tôi cũng phải hỏi, phải xin các anh? Hơn 90 triệu dân ai đi đâu ở nước ngoài cũng phải xin các anh chắc?
– Anh đi đâu, làm gì, chúng tôi biết hết. Chúng tôi chỉ muốn tinh thần tự giác của anh.
– Các anh đang theo dõi tôi đấy à?
– Đúng. Chúng tôi được Nhà nước giao nhiệm vụ bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân. Chúng tôi theo dõi cả 90 triệu dân để bảo vệ họ, để phát hiện các mối nguy hiểm, cảnh báo, ngăn chặn.
– Tôi là một công dân của đất nước này. Tôi có trách nhiệm và nghĩa vụ xây dựng đất nước này. Các anh giữ tôi ở đây, trong thời gian đó tôi có thể làm được bao nhiêu việc có ích cho đất nước. Cái nữa, là các anh không có quyền theo dõi công dân. Các anh đang vi phạm Hiến pháp.
– Chúng tôi được Nhà nước giao phó. Công dân phải tuân theo lệnh, phải sợ công an.
Tôi gắt lên:
– Tôi nói cho anh biết: Ai bảo anh nhân dân phải sợ công an các anh? Chính quyền mới phải phục vụ nhân dân, phải đáp ứng lợi ích của nhân dân. Công an là một công cụ thi hành pháp luật. Các anh chỉ được phép thi hành đúng pháp luật. Các anh phục vụ nhân dân. Chính các anh mới phải sợ nhân dân. (Cả hai bên cùng trợn mắt lên). Tôi cũng là một công dân. Nhà nước phải có nghĩa vụ phục vụ tôi, các anh là công cụ thì cũng phải có nghĩa vụ phục vụ tôi.
– Nhưng công dân cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ Nhà nước, xây dựng Nhà nước…
– Tôi có trách nhiệm, nhưng tôi đang bị lãng phí thời gian ở đây. Nhà nước là do nhân dân lập nên, nhưng cũng có thể do nhân dân phế đi. Các anh đang làm mất thì giờ của tôi.
Nghỉ giải lao. Cán bộ bỏ đi đâu không rõ.
Lát sau.
– Em có biết Trịnh Hội không? – Em chả biết chả quen ai cả.
– Em có biết Voice không?
– Em chả biết voi chuột nào cả. – Trịnh Hội mời em sang à?
– Em chả biết anh đang nói đến thằng nào. Hội hè gì ở đây? Tôi không muốn làm việc với các anh. Các anh đang làm lãng phí thời gian của tôi.
– Trịnh Hội đặt vé cho em bay à? Trịnh Hội cho tiền em sang đó à?
– Tôi tự đặt vé. Chẳng ai cho tôi tiền cả.
– Em có muốn lấy lại tiền vé máy bay không?
– Tất nhiên rồi. Tiền của tôi mà.
– Em có nhớ bao nhiêu tiền không?
– Chả nhớ.
– Mình đặt mà không nhớ à? Hay là người khác đặt hộ?
– Chả ai đặt hộ cả. Không nhớ là không nhớ, thế thôi. Cần thì
tôi gọi điện hỏi lại bên bán vé.
– Em đi gì đến đây?
– Xe buýt.
– Xe buýt tuyến nào?
– Tuyến 07.
– Điểm khởi hành từ đâu?
– Đại học Giao thông.
– Em từ đâu tới Đại học Giao thông để ra sân bay Nội Bài?
– Đi từ đâu, đó là quyền riêng tư của em. Em không có nghĩa vụ phải nói với các anh.
– Anh hỏi thế thôi, để thấy điều em nói là vô lý. Vì nếu em đặt vé, bên phòng vé sẽ hỏi em đi có mang theo nhiều hành lý không. Họ sẽ có xe đưa em từ bến Quang Trung ra sân bay. Đó là do em không đặt vé mà có người khác đặt hộ, nên em không biết mà ra Quang Trung, người đó không nói cho em.
– Em chả nhớ. Có thể họ nói cho em, nhưng em không nhớ. Mà cũng có khi họ quên không nói.
– Làm gì có chuyện không nhớ. Chắc về rồi mai lại nhớ cho mà coi. – Em thế đấy, hay quên lắm.
– Trịnh Hội mời em sang đó à?
– Hội nào anh?
– Hội là người đứng đầu Voice.
– Voi là gì? Việt Nam có hơn 90 triệu dân, anh hỏi ông Hội thì…em chịu.
– Chả nhẽ hơn 90 triệu dân, có mỗi ông Lưu Văn Minh bị cấm xuất cảnh? Phải như thế nào người ta mới cấm xuất cảnh chứ.
– Đó là vấn đề của các anh. Em chả làm gì sai. Các anh không cho em đi thì em về.
– Trịnh Hội bảo em sang đó, cho em tiền sang đó à?
– Em chả biết hội hè nào cả. Anh nói nhiều thế chắc tối nay về em sẽ google xem Trịnh Hội là thằng nào.
– Chắc gì đã được về. Em có biết Voice không?
– Các anh đang làm mất thời gian của tôi đấy. Tôi chẳng làm gì sai. Tôi không có thời gian để ngồi đây nghe các anh hỏi về thằng hội, hè, voi, sư tử nào cả.
– Chúng tôi đang làm việc với anh. Chúng tôi được Nhà nước giao phó làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Anh có nghĩa vụ phải hợp tác với chúng tôi.
– Các anh là người thi hành pháp luật. Các anh phải làm theo quy định của pháp luật.
– Chúng tôi được Nhà nước giao làm nhiệm vụ. Anh không phải dạy chúng tôi làm thế nào.
– Chết, tôi biết gì về luật đâu mà dạy các anh.
– Tôi xin nhắc lại cho anh biết: Chúng tôi được Nhà nước giao nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn những tổ chức phá hoại nhà nước. Voice, do Trịnh Hội cầm đầu, chuyên lôi kéo người trong nước tham gia các đợt tập huấn về chống phá đất nước. Chúng tôi có trách nhiệm phải thông báo với anh và ngăn chặn, không để anh bị lôi kéo. Đấy là chúng tôi đang làm việc tốt cho anh.