Thưa quý thính giả, –
Phạm Đoan Trang là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ. Trong nhiều tác phẩm đấu tranh của cô chúng tôi đã chọn cuốn” Cẩm nang nuôi tù” để giới thiệu với thính giả vì nó rất cần thiết cho rất nhiều gia đình có thân nhân đang bị bạo quyền cầm tù. Hơn nữa làn sóng bắt bớ vẫn đang lan rộng nên sẽ có nhiều người sẽ phải ở trong thân phận” nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
Sau đây mời quý thính giả theo dõi phần tiếp theo của Cẩm Nang Nuôi Tù với giọng đọc của Bảo Trân
Cẩm Nang Nuôi Tù (tiếp)
Phạm Đoan Trang
Nếu đã quan niệm như vậy, thì tốt nhất bạn không nên làm việc gì cả, kể cả việc đọc cuốn sách này và chương về bảo mật này.
Kiểu tư duy “công an biết hết” như vậy thực chất cũng không khác gì lối suy nghĩ “chính quyền luôn đúng”, hoặc “độc tài mạnh lắm, dân không làm gì được nó đâu”.
Công an cũng chỉ mong bạn nghĩ như thế thôi, cho nên nếu muốn đấu tranh với nhà nước công an trị, ít nhất là để bảo vệ quyền lợi người thân của mình, bạn phải dẹp bỏ những suy nghĩ kiểu đó, chúng rất có hại cho bạn và rất đúng ý công an.
Ngoài ra, các quan niệm đó cũng sai sự thật. Thực tế là không nhà nước độc tài toàn trị nào, dù nguồn lực lớn đến đâu, có thể trở thành “trăm tay nghìn mắt” mà kiểm soát 100% đời sống của 100% dân số. Không có chuyện “công an biết hết”; thậm chí, ngay cả khi công an “biết hết” một chuyện nào đó thì cái sự biết đó thường cũng có độ trễ so với thực tế, nghĩa là không phải biết ngay mà một thời gian sau mới biết.
Nguyên tắc cao nhất của bảo mật là có ý thức bảo mật.
Điều trước tiên là bạn phải ý thức được: Bảo mật là cần thiết, là quan trọng sống còn, bắt buộc phải bảo mật. Phải dẹp bỏ ngay quan niệm “bảo mật không để làm gì”, “công an biết hết”.
Hãy nhớ: Bạn không cô đơn. Mọi vấn đề đều có giải pháp. Trên thế giới, có hàng chục tổ chức phi chính phủ với hàng trăm thành viên là những chuyên gia về bảo mật, thường xuyên hướng dẫn về bảo mật và giới thiệu, cập nhật, đánh giá những phần mềm có chức năng bảo mật thông tin. Nếu biết tiếng Anh, bạn có thể tự tìm kiếm, tự học; nếu không biết thì cũng có thể nhờ người khác: Nhiều nhà hoạt động nhân quyền lâu năm có thể giúp bạn việc này.
- Cần bảo mật những gì?
Tuy vậy, nếu đồng ý là “bắt buộc phải bảo mật” thì câu hỏi đặt ra tiếp theo lại là: Bảo mật những gì? Không lẽ bảo mật tất cả mọi thứ, mọi công việc mình làm?
Mặt trái của bảo mật là sự bất tiện, mất thời gian. Công việc bị chậm tiến độ và cũng khó mở rộng, bởi vì càng thu hút nhiều người tham gia, nguy cơ bị lộ thông tin càng cao.
Hiểu những điều đó, bạn có thể tự xác định cho mình trường hợp cụ thể nào thì cần làm gì, hay nói chính xác hơn nữa: Công việc, kế hoạch cụ thể nào của bạn sẽ bị công an chặn phá, ngăn cản? Đừng bao giờ nghĩ rằng “việc này thì có gì mà công an phá”, vì thực tế là lực lượng an ninh Việt Nam từng phá những sự kiện quá đỗi bình thường (nếu ở nước dân chủ) như hội thảo khoa học, liveshow ca nhạc, đạp xe vận động bảo vệ môi trường…
Nhưng nếu dự định làm bất kỳ việc gì cũng nghĩ “công an không cho làm đâu”, “công an sẽ phá”, thì bạn cũng sẽ chẳng làm được gì.
Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải tự đánh giá được mức độ quan trọng, nguy hiểm, có ảnh hưởng của công việc mình làm, cũng như phải phân tích, phán đoán được liệu công an có phá không, phá tới mức độ nào, v.v. Nói chung, ngay cả khi xác định rằng công an sẽ không phá một công việc gì đó của bạn, thì cũng không nên để công an có thông tin về việc ấy. Nghĩa là vẫn cần bảo mật. Đừng để công an biết nhiều về bạn. (Điều này chống lại nguyên tắc của công an là “biết tất cả về đối tượng và giấu giếm tất cả về mình” – bạn còn nhớ nguyên tắc này không?).
III. Tại sao lại bị lộ?
Nhiều khi, câu hỏi ám ảnh là tại sao một kế hoạch nào đó của chúng ta, một công việc nào đó chúng ta dự định thực hiện hoặc đang tiến hành, lại bị lộ và bị công an ngăn chặn, đánh phá? (ngôn ngữ công an là “phát hiện, triệt phá”).
Đó là điều mà công an luôn luôn phải giấu bạn, thậm chí phải tung hỏa mù để bạn càng không hiểu gì, không biết gì càng tốt. Tình trạng mơ hồ, mù mờ về thông tin sẽ khiến bạn càng rối lên, càng sợ công an hơn (tin là “công an biết hết” thật), thậm chí nghi ngờ tất thảy xung quanh.
Vậy, tại sao thông tin có thể bị lộ? Về căn bản, chỉ có hai cách, hay là công an chỉ có hai con đường sau để moi thông tin về bạn:
1) Sử dụng con người: ép cung, mớm cung bạn để có lời khai của chính bạn; ép cung, mớm cung những người có liên quan đến bạn; theo dõi trực tiếp, bám sát bạn và những người có liên quan để quan sát; sử dụng hệ thống chỉ điểm dày đặc (ngôn ngữ công an có thể gọi là nguồn tin, cộng tác viên, còn ngôn ngữ tù thì gọi là rích);
2) Sử dụng thiết bị, máy móc: theo dõi, tổng hợp thông tin từ Facebook/ blog; hack và đọc trộm email, chat; nghe lén điện thoại; định vị điện thoại; v.v.
Để moi thông tin về một “đối tượng” nào đó, chắc chắn công an chỉ có hai con đường trên, sử dụng kết hợp. Cho nên để vô hiệu hóa chúng, tương ứng ta có hai lĩnh vực bảo mật: bảo mật vật lý và bảo mật thiết bị.
Ý thức bảo mật:
Nhớ rằng nguyên tắc của công an luôn là đánh vào mắt xích yếu nhất. Trong một tổ chức, một mạng lưới, công an sẽ phát hiện và tấn công vào người kém khả năng bảo mật nhất, người yếu đuối nhất, người hèn nhát nhất (dễ khai báo nhất).
Sự an toàn của một tổ chức = Khả năng bảo mật, bản lĩnh của cá nhân yếu nhất.
Sau đây, chúng ta đi vào hai lĩnh vực bảo mật chính: bảo mật vật lý và bảo mật thiết bị.
- Bảo mật vật lý
Bảo mật vật lý là bảo mật trong lời nói, trong sinh hoạt và công việc… trong đời sống thực hàng ngày.
Về phía công an:
– Làm việc có hệ thống, phối hợp chặt chẽ khi “trên” có chỉ đạo;
– Có tai mắt (chỉ điểm) khắp nơi;
– Thu thập thông tin qua các cuộc “làm việc” (tức thẩm
vấn, hỏi cung) những người bị bắt, bị câu lưu.
Điều đáng nói là những người cung cấp thông tin cho an
ninh có thể là những người rất bình thường, như anh xe ôm đầu xóm, chị bán vé số hay lân la chào mời bạn, người bán hàng tạp hóa hay chủ quán cafe mà bạn hay ghé. Thậm chí kẻ chỉ điểm có thể là người thân thiết với bạn, là người mà bạn rất tin tưởng.
Thông tin mà an ninh có được là do dò la thu thập được từ các nguồn cung cấp tin chứ không phải chỉ từ mạng xã hội hay nghe trộm điện thoại, đọc trộm chat/email. Do đó, bảo mật vật lý cực kỳ quan trọng, cụ thể bạn phải:
- Bảo mật lời nói, hạn chế sự chia sẻ
Khi dự định làm việc gì đó mà không muốn gặp rắc rối hay bị cản trở, bạn không nên chia sẻ thông tin về công việc đó với nhiều người, kể cả những người thân thiết như bố mẹ, vợ/chồng, anh chị em. Họ có thể vô tình làm lộ kế hoạch của bạn.
Bạn chỉ nên chia sẻ với những người sẽ cùng thực hiện chung công việc đó với bạn và tất nhiên đó phải là người mà bạn tin tưởng, là người kín tiếng trong công việc, có ý thức bảo mật.