CHUYỆN NƯỚC NON MÌNH: Cẩm Nang Nuôi Tù

Thưa quý thính giả,

Phạm Đoan Trang là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ. Trong nhiều tác phẩm đấu tranh của cô chúng tôi đã chọn cuốn” Cẩm nang nuôi tù” để giới thiệu với thính giả vì nó rất cần thiết cho rất nhiều gia đình có thân nhân đang bị bạo quyền cầm tù. Hơn nữa làn sóng bắt bớ vẫn đang lan rộng nên sẽ có nhiều người sẽ phải ở trong thân phận” nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.

Sau đây mời quý thính giả theo dõi phần tiếp theo của Cẩm Nang Nuôi Tù sẽ do
Bảo Trân diễn đọc.

      DLSN22072021bis CNNTu

Dưới đây chỉ là một số nét đặc thù đó của lực lượng công an.

  1. Không từ thủ đoạn nào

Đặc điểm quan trọng nhất trong cách lực lượng bảo vệ chế độ đối phó với dân là bất cần thủ đoạn, không từ một thủ đoạn nào miễn là được việc mình. Do đó, bạn phải biết rằng:

  • Công an sẵn sàng nói dối, sẵn sàng lừa bạn và gia đình, không hề ngại ngùng;
  • Công an sẵn sàng dùng bạo lực không nương tay, trong đó, có những đòn gây tổn thương nhìn thấy được (ví dụ: bầm tím mặt, chảy máu đầu), có những “đòn âm” gây tổn thương kéo dài bên trong cơ thể, rất nguy hiểm;
  • Công an sẵn sàng dùng các biện pháp vô luật để “đấu tranh”, ví dụ như bố trí cho “quần chúng tự phát” ném mắm tôm, chất bẩn vào nhà “đối tượng”.

Tóm lại: Khi biết chắc sẽ không phải chịu trách nhiệm gì (trước cấp trên, trước pháp luật), công an sẵn sàng làm những điều độc ác và khó tin nhất đối với dân. (Nên nhớ lúc đó, công an không coi dân là con người, là công dân bình thường nữa mà là “đối tượng”, “tội phạm”).

Tất nhiên, trong các biện pháp mà công an sử dụng để đối phó với người bất đồng chính kiến thì bạo lực và bỏ tù là hai biện pháp cuối cùng, có thể bởi vì chúng phức tạp hơn, tốn kém hơn.

Ngày 10/6/2018, viên công an tên Khương ở quận Đống Đa (Hà Nội) bắt cóc bà Nguyễn Thúy Hạnh (SN 1963) và cô Cao Vĩnh Thịnh (SN 1988) về đồn để ngăn hai người biểu tình phản đối luật Đặc khu. Ngay từ trên xe taxi, có sự chứng kiến của tài xế và cô Thịnh, Khương đã đấm liên tục vào mặt bà Hạnh. Về tới đồn, Khương đưa bà Hạnh vào phòng riêng đánh tiếp. Cao Vĩnh Thịnh lao vào ngăn, la hét: “Không được đánh chị tôi!”. Công an vội kéo Thịnh ra ngoài, đưa sang phòng khác.

Vài tiếng sau, Khương quay lại gặp Cao Vĩnh Thịnh, định đánh thêm nhưng Thịnh xử lý khéo léo nên y mềm lòng đi. Y giơ cánh tay có vết xước cho Thịnh xem và than thở: “Chị của em cào anh thế này đây. Anh có làm gì chị ấy đâu”.

Thịnh nhận thấy dường như Khương đang cố tình “ám thị” cô, để cô tin rằng bà Hạnh mới là người tấn công công an, và công an không có lỗi gì thật (!)

Nguyên tắc “nhồi sọ” trong các trường an ninh, cảnh sát cũng hệt như vậy: ám thị, lặp đi lặp lại nhiều lần một nội dung. Ở đây cần nhấn mạnh: Công an sẵn sàng đánh đập tàn bạo người phụ nữ đáng tuổi mẹ mình; sẵn sàng nói dối, không hề biết ngượng.

  1. Khao khát thông tin về đối tượng, giấu thông tin của mình

Một trong các nguyên tắc nghề nghiệp của công an là: Biết càng nhiều càng tốt về đối tượng, và ngược lại, không để đối tượng biết gì về công an.

Vì cần biết càng nhiều càng tốt về đối tượng, nên công an luôn cần thông tin, khao khát thông tin, đặc biệt là thông tin cá nhân. Công an quan tâm đến cả những chi tiết tưởng như nhỏ

nhặt nhất về đối tượng, ví dụ đối tượng thích ăn gì, thường làm gì vào lúc rảnh rỗi, hồi nhỏ có sợ ma hay sợ con gì không, ở nhà thì thân với anh/chị/em nào nhất, đi học thì giỏi môn gì nhất, v.v.

Tất cả những thông tin tưởng chừng vớ vẩn, vô hại ấy đều góp phần hình thành nên một hồ sơ hoàn chỉnh về đối tượng, gồm tất cả ưu nhược điểm, mặt mạnh mặt yếu, để công an có thể sử dụng bất kỳ khi nào cần.

Trong các vụ án chính trị, đại đa số mọi người khi bị công an thẩm vấn đều nghĩ công an chỉ hỏi những câu linh tinh, vô hại và nếu mình trả lời cũng chẳng sao, chẳng hại gì đến ai. Thực tế là công an cũng chỉ mong tất cả mọi người bị thẩm vấn đều nghĩ vậy. Mục đích của công an luôn là thu thập càng nhiều thông tin càng tốt, sau đó xử lý những thông tin đó như thế nào thì chỉ công an biết, người bị thẩm vấn không bao giờ có thể kiểm soát được.

Không chỉ thông tin về bạn và gia đình, công an cũng tích cực khai thác thông tin về những người khác thông qua bạn. Bạn có để ý thấy công an luôn sẵn sàng có những buổi cafe với bạn, có những lúc đôi bên đúng là chỉ toàn ngồi tán gẫu, hay gọi là “tám” với nhau? Trong những lúc ấy, rất nhiều khi công an buông ra những câu hỏi bâng quơ về những người khác (không phải về bạn và gia đình).

Chẳng hạn, nếu biết bạn từng gặp blogger Người Buôn Gió, công an có thể làm bộ vui chuyện mà hỏi bạn: “Chẳng hiểu sao Bùi Thanh Hiếu lại lấy nick là Người Buôn Gió nhỉ? Tên thế nghĩa là gì?”. Lúc khác, lại dò thông tin về Quỹ 50K (một quỹ chuyên ủng hộ tài chính cho tù nhân lương tâm và gia đình) và người sáng lập Nguyễn Thúy Hạnh: “Chị Hạnh xinh nhỉ? Xinh đẹp, đa cảm, hay khóc… Mà không biết chị ấy làm Quỹ 50K vất vả lắm không…”. Nếu bạn tỏ ra hưởng ứng, nói là “có, vất vả chứ”, công an sẽ tiếp tục: “Ừ, mà hình như toàn lọ mọ làm một mình thôi, chồng con chẳng giúp đỡ gì”.

 

You May Also Like