Kính thưa quý thính giả, sau đây phóng viên Hoàng Ân và Trường An sẽ điểm lại những sự kiện nỗi bật tại Việt Nam trong tuần qua. Xin nhường lời cho chị Hoàng Ân .
Việt Nam Tuần Qua:
Hoàng Ân: Da, cám ơn chị Mỹ Linh.
Trước hết HA xin kính chào quý thính giả của đài và xin chào anh TA ạ.
Trường An: TA xin chào quý thính giả và chị HA
Hoàng Ân: Thưa anh TA, Anh có bao giờ nghe thấy chuyện một luật sư bào chữa bị siết cổ tống ra khỏi phòng xử không ạ? việc này đã làm xôn xao dư luận tại Việt Nam mấy ngày qua. Chuyện này xảy ra như thế nào vậy anh TA?
Trường An: Đúng như chị vừa nói!
Vào thứ Năm 14/11, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy được bản chất qua hình ảnh một luật sư bào chửa bị công an siết cổ, xốc nách tống ra khỏi phòng xét xử.
Cảnh tượng nói trên diễn ra trong ngày thứ nhì xét xử vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải về cáo buộc “trốn thuế” ở thành phố Nha Trang. Người bị kẹp cổ tống ra khỏi phòng xử là Luật sư Nguyễn Duy Bình, một trong 42 đồng nghiệp tự nguyện đứng ra bào chữa cho vợ chồng ông Hải. Trước khi bước vào phòng xử, Luật sư Hải tuyên bố trên mạng là ông hy vọng phóng viên sẽ được tự do vào quan sát phiên tòa để chứng minh tính cách công khai, công bằng và dân chủ của tòa án.
Sau khi bị trục xuất khỏi tòa án, Luật sư Duy Bình cho biết thân chủ của ông là bà Ngô Tuyết Phương, vợ ông Hải. Lý do mà ông bị trục xuất là vì phản đối việc tòa án không cho 5 luật sư khác đứng ra bào chữa cho bà Phương. Khi về đến khách sạn, ông Bình đã gửi đơn lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đề nghị bộ Công an Tư pháp sửa đổi cách ứng xử đối với dân.
Hoàng Ân: Dạ vâng, thưa anh TA, anh có thể nói rõ hơn về phiên sử luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải vào cuối tuần qua được không ạ?
Trường An: Thưa chị, vào sáng thứ Sáu ngày 15/11, Toà án Nhân dân thành phố Nha Trang đã kết án ông Trần Vũ Hải, luật sư nhân quyền và vợ là bà Ngô Tuyết Phương mức án 1 năm cải tạo không giam giữ về tội danh “trốn thuế.”
Trong phiên toà mang màu sắc chính trị kéo dài 3 ngày này, toà án ND Nha Trang đã kết tội ông Hải và bà Phương cho dù hơn 40 luật sư bào chữa nói rằng hai vợ chồng luật sư Hải không phạm bất cứ một luật nào của Việt Nam, vì cả hai đều không phải là đối tượng phải nộp thuế trong một giao dịch bất động sản ở Nha Trang năm 2014.
Với việc kết án ông Hải, nhà cầm quyền Việt Nam muốn ngăn cản hoạt động bào chữa của ông Hải trên tư cách luật sư trong nhiều vụ án nhạy cảm, trong đó có vụ án cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất với cáo buộc lạm quyền gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Nhất bị bắt cóc từ Thái Lan hồi tháng 1 năm nay, sau khi đã đệ đơn xin tỵ nạn chính trị ở Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp quốc.
Hoàng Ân: Thưa anh TA, trong một động thái chưa từng xảy ra tại VN, giới công an tại Hà Nội đã xuống đường biểu tình. Anh có ghi nhận như thế nào trước việc này ạ?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Lần đầu tiên trong lịch sử csVN, hàng chục công an Hà Nội đã phẫn nộ xuống đường vì bị cướp đoạt đất đai ở huyện Đông Anh.
Cuộc biểu tình được quay phim và tung lên mạng cho thấy hơn 10 công an huyện Đông Anh đã giương cao biểu ngữ phản đối việc chiếm đoạt khu đất cấp phát cho họ để xây nhà. Một biểu ngữ tố cáo là “bọn sâu mọt” đã cưỡng đoạt khu đất mà họ đã chi tiền để được quyền sở hữu từ năm 2002 đến nay. Tuy nhiên nhóm công an này không nêu đích danh “bọn sâu mọt” là ai.
Một tờ báo lề đảng cho biết thêm, vào năm 2002, công an huyện Đông Anh được cấp hơn 2 mẫu đất để xây dựng nhà cửa cho 198 công an viên của huyện. Mỗi công an phải đóng 125 triệu đồng chi trả cho phí tổn xây dựng nhà cửa mà công ty tư nhân An Thịnh là nhà thầu. Tuy nhiên đến hôm nay, các ngôi nhà vẫn chưa xây xong nhưng đất thì được bán cho người khác.
Ngay sau đoạn phim được tung lên, dư luận trên mạng xã hội mỉa mai là sau mấy thập niên xuất hiện “dân oan”, nay có thêm thành phần “công oan” trong xã hội.
Hoàng Ân: Dạ vâng, thưa anh TA, Hà Nội lai bị đưa vào danh sách các thủ đô bị ô nhiễm nhất thế giới phải không anh?
Trường An: Đúng vậy!
Hà Nội đứng thứ 12 trong danh sách các thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, đồng thời VN lọt vào danh sách 20 nước ô nhiễm trầm trọng nhất, theo xếp hạng của tổ chức AirVisual.
Bảng xếp hạng được công bố ngay trong ngày mà bầu trời Hà Nội đầy bụi mù, với chỉ số ô nhiễm không khí lên đến 344 AQI, tức mức nguy hiểm quá cao, vào sáng sớm hôm qua, thứ Ba ngày 12/11.
Tổ chức AirVisual cho biết là mức độ ô nhiễm đang tăng cao ở các nước Á châu, nghiêm trọng nhất là ở Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Nguyên nhân chính yếu là do lưu lượng giao thông dày đặc, khói bụi từ các nhà máy nhiệt điện và kỹ nghệ nặng. Khác với Trung Cộng, nông dân các nước như VN và Ấn Độ có thói quen đốt rơm rạ khi thu dọn đồng ruộng, khiến tình trạng ô nhiễm không khí càng tăng cao hơn.
Hoàng Ân: Dạ vâng. Cám ơn anh TA. HA cũng xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi buổi nói chuyện của chúng tôi. Xin chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại vào tuần tới