Quan Điểm: Trung Cộng Đang Bên Bờ Vực Thẳm

Thưa quý thính giả,cuộc tranh đấu hơn 15 tuần qua của cư dân Hongkong đã dồn Bắc Kinh vào thế “tứ bề thọ địch”. Một mặt Đài Loan đang đòi độc lập, mua vũ khí tối tân của Hoa Kỳ chuẩn bị chiến đấu. Mặt khác, Trung cộng đang bị khủng hoảng vì cuộc thương chiến với Hoa Kỳ. Và mới đây Hoa Kỳ đang phối hợp “đa phương” với nhiều nước, đưa nhiều chiến hạm đến biển Đông nhằm chống các hoạt động quân sự của Trung cộng tại nơi này để củng cố quyền tự do hàng hải.

Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: “Trung Cộng Đang Bên Bờ Vực Thẳm” qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

      QDiem13092019bis

Các cuộc biểu tình phản đối Dự Luật Dẫn Độ ở Hồng Kông đã bước sang tuần lễ thứ 15, có lúc số người biểu tình lên đến 2 triệu. Tinh thần “Quang phục Hồng Kông” đang trỗi dậy. Vì ý niệm này mà Lương Thiện Kỳ, 28 tuổi, người bị kết án 8 năm tù sau phiên xử vào tháng 6 năm 2018, với tội danh “kích động biểu tình”.

Cuộc biểu tình ngày 2/9/2019 của hàng chục ngàn sinh viên, học sinh đã bắt đầu chiến dịch tẩy chay học đường với khẩu hiệu “Giải phóng Hồng Kông”, “Thời đại cách mạng”, dự trù kéo dài 2 tuần lễ khắp 11 trường Đại học và hơn 230 trường Trung học. Tất cả đã cùng nhau tọa kháng và đại học Trung Văn Hồng Kông tuyên bố rằng: “Chế độ toàn trị cứ bắn, cứ khủng bố, cứ ngăn đường, cản lối, cũng sẽ không bao giờ đủ để bẻ gãy quyết tâm của chúng tôi”.

Nền tảng giáo dục “khai phóng” có thể được xem là yếu tố lớn nhất giúp các sinh viên, học sinh chiến thắng nỗi sợ hãi trước bạo lực để quyết tâm đòi Tự do. Chương trình giáo dục “khai phóng” được người Anh đưa vào Hồng Kông năm 1992, nhằm giảm bớt những lo ngại về tương lai trong những năm trước khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Cộng.

Năm 2009, chương trình này trở nên bắt buộc nhằm đào tạo kỹ năng suy nghĩ độc lập và nhiều vấn đề khác cho sinh viên, học sinh, từ tình hình chính trị Hồng Kông đến tình trạng thay đổi khí hậu toàn cầu.v.v. Nó chẳng những dạy cho học sinh tinh thần khách quan để phân tích tình hình, dữ kiện, biết biến suy nghĩ thành hành động, giúp đánh tan được nỗi sợ hãi trước bạo quyền. Chương trình này còn dạy cho học sinh rằng: Chính quyền sinh ra để phục vụ người dân, phải nghe dân. Chính quyền tuyệt đối không phải là công cụ của một nhóm người muốn đè đầu, cưỡi cổ người dân để cai trị theo ý mình.

Năm 1997, chính phủ Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Cộng theo thỏa hiệp “Một nước, Hai hệ thống”, Hồng Kông được tiếp tục thừa hưởng những quyền dân chủ của nước Anh trong vòng 50 năm, từ năm 1997 đến 2047.

Hồng Kông trở thành Đặc khu Hành chánh nên không được hoàn toàn tự trị. Đặc khu Trưởng nắm quyền hành pháp, nhưng thực tế do Trung Cộng bổ nhiệm và Nghị viện không phải là một quốc hội của quốc gia độc lập mà đa số đều do Bắc Kinh chọn và kiểm soát.

Như vậy nếu Dự Luật Dẫn Độ do bà Carrie Lâm đề nghị được thông qua, những nghi can đang sinh sống tại Hồng Kông có thể bị dẫn độ về Hoa Lục để truy tố và xét xử tại Tòa bù nhìn theo luật lệ Trung Cộng.

Vào thời điểm ban đầu, dân chúng Hồng Kông đòi hỏi 2 việc: Một là phải rút lại Dự Luật Dẫn Độ. Hai là bà Carrie Lâm phải từ chức. Sau nhiều lần tuyên bố giữ vững lập trường, nhất là sau cuộc biểu tình của 2 triệu người, bà Carrie Lâm chỉ đồng ý tạm thời đình chỉ Dự Luật và không từ nhiệm.

Qua tuần thứ 14, đối tượng tranh đấu của cư dân Hồng Kông biến đổi từ Dự Luật Dẫn Độ thành Tự do Dân chủ. Đây không phải là lần đầu tiên cư dân Hồng Kông đòi hỏi tái lập chế độ Dân chủ mà trước đó vào năm 2014, Phong Trào Dù Vàng đòi Dân chủ mà Yoshua Wong là một trong những lãnh tụ, đã chiếm đóng Trung tâm Hồng Kông 79 ngày, nhưng vì thiếu thống nhất trong hàng ngũ lãnh đạo nên sau cùng đã thất bại.

Từ sự thất bại của Phong Trào Dù Vàng, các thành phần lãnh đạo đã trưởng thành qua bài học “thất bại là mẹ thành công”, rút ra nhiều kinh nghiệm để tổ chức biểu tình đông đảo hơn qua ý niệm “Theo Dòng Nước” của Lý Tiểu Long, đã kéo dài các cuộc biểu tình hơn 15 tuần qua. Điểm đáng nói là lần này cư dân Hồng Kông đã vận động được sự yểm trợ tích cực của quốc tế nhờ vào giới truyền thông, nhất là từ khi Hoa Kỳ thay đổi chính sách đối phó Trung Cộng về mậu dịch.

Ngày 4/9 vừa qua, bà Carrie Lâm đã tuyên bố hủy bỏ Dự Luật Dẫn Độ.

Chế độ độc tài của Trung Cộng đang lung lay và bị khủng hoảng trầm trọng sau cuộc thương chiến với Hoa Kỳ đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước Đông Nam Á. Ngòi nổ chính là chính sách mới của Hoa Kỳ đối với Biển Đông và đây là lý do các nước bị ách cộng sản hay bị cộng sản đe dọa như Việt Nam, Cuba, Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông… đều ủng hộ chính phủ Hoa Kỳ trong chiến lược ngăn chận mưu toan bành trướng của Bắc Kinh.

Quan trọng hơn nữa là cuộc tranh đấu đòi Dân chủ của cư dân Hồng Kông có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Tập thể người Việt trong và ngoài nước đều mong Trung Cộng suy yếu hoặc chế độ cộng sản Bắc Kinh sụp đổ, để nước Việt có cơ hội thoát Trung như sử Việt đã chứng minh.

Đa số người Việt tin rằng, khi Trung Cộng suy yếu thì chế độ cộng sản ở Việt Nam cũng khó tồn tại, nên đều quan tâm theo dõi diễn tiến cuộc tranh đấu tại Hồng Kông, cũng như tỏ lòng thán phục và ủng hộ cuộc đấu tranh này.

Tình hình tại Hồng Kông biến chuyển nhanh chóng và cuộc thương chiến Hoa – Trung có thể làm cho chế độ cộng sản tại Bắc Kinh tan rã, tương tự như Bức Tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1989. Nếu được như thế thì quả đây là tin mừng cho người Việt.

Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

You May Also Like