Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Bảo Trân và Hướng Dương trình bày sau đây.
NGƯỜI TÀU MỞ XƯỞNG SẢN XUẤT MA TÚY TẠI VIỆT NAM
Trong vòng hai ngày qua, công an hai tỉnh Kontum và Bình Định đã ập vào hai xưởng sản xuất ma túy do người Tàu làm chủ, tịch thu hơn 20 tấn hóa chất dùng để sản xuất ma túy.
Theo loan báo của bộ công an, vào thứ Ba 10/9, trong vụ bố ráp một cơ xưởng ở huyện Đắk Hà, tỉnh Kontum, lượng hóa chất tịch thu đã lên đến 13 tấn và hàng trăm lít dung dịch. Bảy công dân Trung Cộng đã bị bắt giữ trong vụ này. Cũng theo tiết lộ của công an thì cơ xưởng này do công ty tư nhân Đồng An Viên làm chủ, người đứng tên là ông Trần Ngọc An, được cấp giấy phép kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng sau đó cho người Tàu thuê lại.
Vào hôm qua, thứ Tư 11/9, công an tỉnh Bình Định cũng phát giác một lượng hóa chất cực lớn tại hai cơ xưởng ở thành phố Quy Nhơn, chứa trong 286 thùng phuy và 300 bao ni lông. Cùng với số hóa chất này, có hàng trăm thiết bị dùng để sản xuất ma túy và 6 công dân Trung Cộng làm việc tại đây.
CỰU THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG BỊ KIỆN RA TÒA ÁN QUỐC TẾ
Bà Đặng Thị Hoàng Yến, cựu đại biểu quốc hội Việt Nam, đã đệ đơn kiện cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra tòa án quốc tế để đòi bồi thường 2.5 tỷ Mỹ kim vì thua lỗ trong dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương vào 10 năm trước.
Trong đơn kiện, bà Maya Dangelas, tên mới của bà Yến sau khi nhập tịch Mỹ, nhấn mạnh là việc ông Dũng hủy bỏ dự án là điều phi lý và có tính cách trả thù cá nhân. Bà Yến cho biết là từ năm 2007, công ty Tân Tạo của bà đã đầu tư hơn 250 triệu Mỹ kim vào dự án nhiệt điện Kiên Lương nhưng đến năm 2016 thì ông Dũng đột ngột quyết định hủy bỏ dự án chỉ một tháng trước khi từ giã chính trường.
Vào hôm nay, thứ Năm 12/9, tòa án quốc tế ở Paris sẽ tống đạt thông báo về vụ kiện đến ông Nguyễn Tấn Dũng.
Bà Maya Dangelas, tức Đặng Thị Hoàng Yến, vào năm 2011 trở thành đại biểu quốc hội Việt Nam, nhưng một năm sau thì bị buộc phải từ chức vì “khai gian lý lịch”.
VỤ CHÁY RẠNG ĐÔNG: NHÀ CẦM QUYỀN HÀ NỘI VẪN LẤP LIẾM, CỐ TRẤN AN DÂN
Theo tường thuật của truyền thông trong nước, tại buổi giao ban báo chí định kỳ chiều 10/9, rất đông phóng viên đã đến để tìm hiểu thông tin về vụ cháy nhà kho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông, nhưng nội dung này lại không có trong cuộc họp giao ban.
Ông Trần Xuân Hà, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí “cố gắng tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân” để khắc phục hậu quả của vụ cháy Rạng Đông, khi người dân trong khu vực đang bỏ chạy bằng cách di tản, cho thuê nhà, bán nhà, vì lo ngại môi trường đang bị ô nhiễm thủy ngân sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bị chất vấn với nhiều câu hỏi từ báo chí về những thông tin khác nhau mà các lãnh đạo đưa ra về mức độ ô nhiễm trong khu vực , ông Hà đã phải đứng ra trả lời những thắc mắc liên quan đến thảm họa môi trường đang gây hoang mang và phẫn nộ trong công luận tại thủ đô Hà Nội tuần qua chỉ bằng câu trấn an rằng: “các cơ quan chức năng đang tích cực điều tra” và “các cơ quan báo chí cứ yên tâm”.
LẬT XE Ở ĐÀI LOAN, MỘT CÔNG NHÂN VIỆT NAM TỬ NẠN
Một công nhân Việt đã thiệt mạng và một người Việt khác bị thương nặng khi chiếc xe chở họ bị lật trên đường đi làm về.
Tai nạn xảy ra vào chiều tối thứ Bảy 7/9 ở thành phố Đài Trung, người chết là anh Đậu Toàn Quốc 26 tuổi, một công nhân đến từ thị xã Kỳ Anh – Hà Tĩnh. Người bị trọng thương là ông Trần Văn Hợp 41 tuổi, cũng đến từ thị xã Kỳ Anh, hiện ở trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện.
Người tài xế Đài Loan cũng thiệt mạng tại chỗ, và một người Đài Loan khác cũng trọng thương trong vụ lật xe nói trên.
Trong một diễn biến khác, vào hôm thứ Ba 10/9, một công nhân Việt Nam tên Phạm văn Đạo, 53 tuổi, đã thiệt mạng tại Nam Hàn vì ngạt khí trong hầm đông lạnh của công ty thủy sản Su Sung. Ông Đạo quê quán ở Hải Phòng, sang Nam Hàn theo diện thăm thân nhân vì có con gái lấy chồng Nam Hàn, sau đó xin được việc làm tại công ty nói trên.
TRUNG CỘNG SỬ DỤNG MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI ĐỂ GIÁM SÁT BIỂN ĐÔNG
Một tờ báo Hồng Kông vào hôm qua loan tin là Trung Cộng đã cho một phi đoàn máy bay không người lái ra giám sát Biển Đông.
Theo nguồn tin của tờ Hoa nam Tin sáng, các máy bay này do bộ Tài nguyên Trung Cộng điều hành với mục tiêu là nhằm tăng cường mức độ giám sát mọi hoạt động ở Biển Đông. Các máy bay này sẽ hỗ trợ cho mạng lưới giám sát bằng vệ tinh của Trung Cộng.
Tờ Hoa nam Tin sáng cho biết thêm là Trung Cộng sắp phóng thêm một “nhóm vệ tinh Hải Nam” để tăng cường khả năng giám sát mọi hoạt động ở Biển Đông. Theo dự trù thì kế hoạch này sẽ hoàn tất vào năm 2021, gồm tổng cộng là 10 vệ tinh.
CÁC CÔNG TY MỸ VỘI VÃ RÚT KHỎI HOA LỤC
Một số công ty Mỹ đang đẩy nhanh tiến trình di dời các cơ xưởng ra khỏi Hoa Lục để giảm thiệt hại vì các mức thuế mà hai nước Mỹ – Tàu đang trả đũa lẫn nhau.
Theo khảo sát của phòng thương mại Hoa Kỳ ở Thượng Hải, hơn một phân tư số công ty Mỹ tại Hoa Lục cho biết là họ đã chuyển cơ xưởng và dịch vụ sang một số nước khác trong vòng một năm qua. Ngoài ra, hơn 40% công ty Mỹ tin rằng mục tiêu đàm phán của chính phủ Donald Trump là buộc Trung Cộng phải nới lỏng các điều kiện khắt khe, giúp các công ty Mỹ dễ dàng kinh doanh tại Hoa Lục, trong đó có yêu cầu gia ăng nhập cảng hàng hóa từ Hoa Kỳ.
Tương tự như ở Việt Nam, các công ty Hoa Kỳ vấp phải nhiều khó khăn khi làm ăn ở Hoa Lục, từ guồng máy quan liêu tham nhũng cho đến việc ép buộc các công ty ngoại quốc phải giao ra các kỹ thuật của họ.