Tin Tức: Chủ Nhật 14.07.2019

sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Bảo Trân và Nguyên Khải

      DLSN14072019-bis TT

Tin Tức: Chủ Nhật 14.07.2019
1) Hoa Kỳ tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo Thế giới
Thứ ba 16/7 sắp tới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng nhằm Thăng tiến Tự do Tôn giáo, diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 16 đến 18/7 tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Một số nạn nhân bị đàn áp tôn giáo người Triều Tiên, người thiểu số Rohingya, người Uighur, và người Việt được mời đến để trình bày về tình trạng đàn áp tôn giáo tại nước của họ.
Hơn 1.000 đại diện của nhiều tổ chức tôn giáo và xã hội dân sự, cũng như các Bộ trưởng ngoại giao được mời tới để thảo luận về tình hình tự do tôn giáo trên toàn thế giới.

2)Đài Loan bảo vệ thương vụ mua vũ khí của Mỹ
Thứ bảy 13/07, Bộ Quốc Phòng Đài Loan đã lên tiếng bảo vệ quyết định đặt mua 2,2 tỷ Mỹ kim vũ khí Hoa Kỳ. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bắc Kinh lên tiếng tố cáo Hoa Kỳ, cho rằng việc Washington bán vũ khí cho Đài Bắc sẽ phá hoại chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào bất kỳ doanh nghiệp nào của Hoa Kỳ có dính líu đến thỏa thuận cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Bộ Quốc Phòng Đài Loan xác định rằng vũ khí của Hoa Kỳ chỉ nhằm mục tiêu tăng cường năng lực tự vệ của Đài Loan trước mối đe dọa quân sự đang gia tăng từ Trung Quốc.
Dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng luật pháp của Hoa Kỳ đã buộc chính quyền phải cung cấp cho Đài Loan đủ thiết bị và các phương tiện khác để tự vệ. Vì thế, đầu tuần trước, chính quyền Donald Trump đã loan báo quyết định bán 2,2 tỷ Mỹ kim vũ khí cho Đài Loan, trong đó có 108 chiến xa Abrams và 250 tên lửa đất đối không Stinger.

3)Ra mắt phim ”Người thách thức Bắc Kinh” tại Pháp vào ngày giỗ Lưu Hiểu Ba
Cách nay hai năm, ngày 13/07/2017, nhà tranh đấu vì dân chủ cho Trung Quốc Lưu Hiểu Ba qua đời vì bệnh ung thư, sau 9 năm bị giam cầm. Tại Trung Quốc và trên thế giới, ít người biết Lưu Hiểu Ba là ai, bởi chính quyền Bắc Kinh muốn tìm mọi cách xóa đi các hồi ức về ông, về cuộc thảm sát Thiên An Môn (1989), cũng như phong trào Hiến chương 08 (năm 2008) đòi chấm dứt chế độ độc đảng, mà ông là người khởi xướng. Chính quyền nhiều nơi ở phương Tây dường như cũng dè dặt khi nhắc đến tên tuổi của nhà tranh đấu, vì không muốn căng thẳng với Bắc Kinh.
Vì thế, ngày 13/07 năm nay, nhân ngày giỗ lần thứ hai của ông Lưu Hiểu Ba, Bộ phim «Lưu Hiểu Ba, con người thách thức Bắc Kinh» sẽ được công chiếu trên kênh truyền hình Pháp. Bộ phim thuật lại cuộc phỏng vấn bí mật với Lưu Hiểu Ba do nhà báo Pháp François Cauwel thực hiện, chỉ ít lâu trước khi ông bị bắt. Cuộc phỏng vấn này được coi như «bản di chúc» mà nhà tranh đấu gửi đến hậu thế. Chính quyền Trung Quốc rút cuộc đã không bịt được miệng Lưu Hiểu Ba. Nhà dân chủ – chỉ có cây bút làm vũ khí – tiếp tục khiến chế độ cs toàn trị bất an.

4)Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết điều tra cuộc chiến chống ma túy tại Philippines
Thứ sáu 12/7, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ra Nghị quyết do Iceland đề nghị để điều tra về cuộc chiến chống ma túy đẫm máu tại Philippines với 18 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 15 thành viên vắng mặt. Cũng vào ngày 12/7, Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, đã phản ứng lại nghị quyết này. Ông mỉa mai Iceland là nước đề nghị Nghị quyết này là quốc gia chỉ toàn là băng đá nên đâu có tội phạm, cũng chẳng cần có cảnh sát. Vì thế, họ không thể hiểu được các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị của Philippines.
Về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines, số người bị giết không thể kiểm chứng độc lập được. Cảnh sát thì nói chỉ có 6 ngàn người bị giết vì đã chống cự lại cảnh sát bằng võ trang. Nhưng giới hoạt động nhân quyền lại nói tổng cộng số thương vong lên tới 27 ngàn người. Các tổ chức nhân quyền tố cáo nhà cầm quyền Philippines có những vụ xử tử với những chứng cứ dàn dựng, báo cáo láo, và không muốn bị điều tra về những cáo buộc đối với những lạm quyền có hệ thống của cảnh sát trong 3 năm đàn áp. Nhưng chính phủ Philippines hoàn toàn bác bỏ những cáo buộc này và gọi đó là những lời dối trá, chỉ dựa vào lời kể của các người chống đối ông Duterte và truyền thông thiên lệch.

5)Pháp công bố tàu ngầm chạy bằng hạt nhân

Thứ sáu 12/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến công bố 6 tàu ngầm mới nhất, lớp “Barracuda”, chạy bằng hạt nhân, trọng tải 5.000 tấn mỗi chiếc, do tập đoàn Naval Group của Pháp sản xuất.
Chương trình sản xuất tàu ngầm hạt nhân tàng hình trị giá 9 tỉ Euro được chính phủ Pháp xem là chủ chốt để giữ vững sự hiện diện của hải quân Pháp trong nhiều thập niên tới. Hải quân Pháp hy vọng sẽ nhận được chiếc tàu ngầm đầu tiên mang tên Suffren để hạ thủy vào năm 2020, và số còn lại sẽ đi vào hoạt động trong thập niên tới, thay thế lớp tàu ngầm Rubby đã cũ.

6)Bế tắc trong đối thoại Nhật-Hàn giải quyết tranh chấp thương mại.
Thứ sáu 12/07, sau hơn 5 giờ họp tại Tokyo, Nhật Bản và Nam Hàn vẫn không đạt được đồng thuận về việc Nhật tiếp tục bán cho Nam Hàn ba hóa chất cần thiết cho công nghệ bán dẫn và sản xuất chip điện tử. Chính quyền Shinzo Abe cáo buộc Nam Hàn đã để cho một số chất hóa học nhập từ Nhật Bản đến tay Bắc Hàn, giúp Bình Nhưỡng chế tạo vũ khí và phát triển chương trình hạt nhân. Quan hệ Seoul-Tokyo đã xấu đi thêm từ nhiều tháng qua. Quá khứ lịch sử thời Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên luôn là một cái gai trong bang giao giữa hai nền công nghiệp hàng đầu tại vùng đông bắc Á này.

7)Luân Đôn gởi chiến hạm thứ hai đến vùng Vịnh
Thứ sáu 12/07, hai ngày sau khi Hải quân Iran muốn chận đường một tàu dầu Anh ở eo biển Ormuz, Anh Quốc thông báo sẽ gửi chiến hạm thứ nhì đến vùng Vịnh. Chiến hạm HMS Duncan sẽ thay thế cho tàu Montrose để tiếp tục bảo đảm quyền tự do hàng hải ở eo biển Ormuz.
Quan hệ giữa Luân Đôn và Teheran không ngừng xấu thêm trong những tuần lễ gần đây, khi tình hình ở vùng Vịnh trở nên rất căng thẳng. Vào đầu tuần qua, Luân Đôn đã nâng mức báo động trong hải phận Iran lên tối đa. Vụ đối đầu hôm thứ Tư tuần này với 3 tàu của Iran không phải diễn ra một cách ngẫu nhiên, mà là tiếp theo vụ Anh cho ngăn chận một tàu dầu Iran ngoài khơi Gibraltar bị nghi là cung cấp dầu hỏa cho Syria, vi phạm trừng phạt của Châu Âu.

You May Also Like

Leave a Reply