Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Tâm Anh
Trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin Lê Hữu Thuận Hà Tỉnh: Ông Trọng đã chết
Tiến Văn
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,
Vở kịch “chống tham nhũng”, “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục tiếp diễn trong bối cảnh nội tình của đảng Hồ-Tàu đang sôi sục, ráo riết cho việc đấu đá, tranh giành các quyền lực, quyền lợi cho nhiệm kì 2021-2026. Những thủ đoạn xảo trá này đang ngày càng bị dư luận vạch mặt và lên án. Ngay cả trong tầng lớp đảng viên, nhiều người cũng đã không thể kiềm chế được sự khó chịu, khinh bỉ khi chứng kiến các hành vi mị dân, đạo đức giả thô thiển của Trọng và đồng bọn. Điển hình trên mặt công luận là trường hợp ông Lê Hữu Thuận, nguyên là Trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh của trường Chính trị Trần Phú, Hà Tĩnh. Ông Thuận còn kiêm chức Phó bí thư chi bộ của toàn trường. Thế nhưng ông Lê Hữu Thuận đã công khai thể hiện sự khinh thường, căm ghét rất rõ ràng đối với chính Nguyễn Phú Trọng. Vụ việc này đã được chính báo chí của đảng Hồ-Tàu đưa tin vào đầu tháng 05 vừa qua. Ông Thuận đã bị kỉ luật, bị cách chức Bí thư chi bộ và đang bị bọn lãnh đạo đầu sỏ đe nẹt về nhiều phương diện. Về quan hệ chính trị, ông Lê Hữu Thuận chỉ là một đảng viên thuộc cấp trung tại địa phương, còn ông Nguyễn Phú Trọng là đảng viên lãnh tụ, cao cấp nhất, là lãnh đạo tối cao đối với ông Lê Hữu Thuận. Tuy nhiên, sự tương quan cách biệt này, cùng những qui định có tính chất đe dọa trong những điều đảng viên không được làm, vẫn không đủ làm cho ông Thuận kiềm chế được sự khinh bỉ.
Thưa quí anh chị em và quí vị, nhìn bề ngoài, vụ ông Lê Hữu Thuận chỉ là một vụ việc nhỏ; ông Thuận có thể sẽ hoàn toàn im lặng sau khi bị kỉ luật. Song, sự biểu hiện bất bình công khai của ông Lê Hữu Thuận đối với lãnh tụ cao cấp nhất của đảng Hồ-Tàu đã thể hiện một vấn đề hết sức nghiêm trọng cho chính Nguyễn Phú Trọng nói riêng và đảng Hồ-Tàu nói chung. Đây chính là sự biểu hiện của tình trạng thoái hóa, phân rã không thể sửa chữa của đảng Hồ-Tàu.
Như anh chị em chúng ta đã biết, một người đã được giao trọng trách trưởng khoa lí luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải là một người được chọn lựa rất kĩ càng xét theo tiêu chuẩn của đảng Hồ-Tàu; phải là một người đã có quá trình học tập, làm việc rất trung thành, mẫn cán cho đảng Hồ-Tàu; không những thế, đây phải là một người đã được huấn luyện, thấm nhuần rất sâu sắc các giáo điều, tín điều của đảng Hồ-Tàu; là người phải biết rõ các kị húy, cấm kị của đảng Hồ-Tàu đối với đảng viên. Thế nhưng, mặc cho quá khứ và hiểu biết như thế, ông Lê Hữu Thuận đã công khai bày tỏ sự khinh bỉ chính đảng trưởng của mình bất chấp các hậu quả sẽ xảy ra đối với bản thân. Chúng ta cũng nên biết thêm về cuộc sống vật chất, vị trí trưởng khoa kiêm phó bí thư một trường chính trị cấp tỉnh là một vị trí thường mang lại rất nhiều bổng lộc. Ở vị trí này người ta trở thành “thầy” cho các cán bộ toàn tỉnh; tất cả các cán bộ đảng Hồ-Tàu muốn leo lên chức cao hơn đều phải trải qua sự huấn luyện về “Lí luận Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Thế mà ông Lê Hữu Thuận đã dám chấp nhận rủi ro có thể mất tất cả những chức tước, bổng lộc đang là niềm mơ ước của nhiều người hiện nay.
Một câu hỏi cần nêu ra, tại sao ông Lê Hữu Thuận lại có hành động đặc biệt như thế?
Thưa anh chị em và quí vị, do chưa thể tiếp xúc trực tiếp và không có đủ thông tin về ông Lê Hữu Thuận, chúng ta khó có thể luận giải chính xác về những động cơ, lí do đã làm cho ông Thuận có hành vi, hành động xúc xiểm, khinh thường đảng trưởng của mình.
Tuy nhiên, chỉ xét theo những qui luật xã hội và con người nói chung, chúng ta có thể thấy hành động của ông Thuận là hoàn toàn dễ hiểu và có lí.
Dễ hiểu bởi vì con người chúng ta là một thực thể còn nhiều bí ẩn chưa thể giải thích, chưa thể đoán định chính xác. Một cách ngắn gọn, con người luôn có khả năng thay đổi, xấu thành tốt hoặc tốt thành xấu. Chưa kể, cái gọi là lương tâm của con người có một sức mạnh đặc biệt, một khi lương tâm thức tỉnh, nó có thể khiến người ta làm những việc vô cùng tốt đẹp mà trước đó có thể chưa bao giờ nghĩ tới.
Những cái gọi là danh vọng, tiền bạc, vật chất, bổng lộc thực sự là những thứ có sức quyến rũ và ở một mức độ nào đó là cần thiết cho sự tồn sinh. Song, nếu lương tri thức tỉnh, người ta sẽ phải thấy tất cả những thứ đó đều là tạm bợ và vô nghĩa so với những giá trị tinh thần khác như lòng chính trực, lòng thương yêu đồng loại, tinh thần yêu chuộng công lí diệt ác-trừ gian và khát khao cuộc đời tự do, chân thật.
Như chúng ta có thể thấy, ông Lê Hữu Thuận phải là một người biết rõ sự giả dối, lừa mị, tàn ác của đảng Hồ-Tàu. Và chính sự biết rõ đó cộng với sự thúc giục nào đó của lương tâm đã khiến ông không thể giữ mãi trong mình sự khó chịu, căm phẫn trước bộ mặt đạo đức giả của Trọng và đồng bọn. Chính động cơ đó đã làm cho ông Thuận vượt qua những do dự, lo hãi tầm thường để bày tỏ công khai cảm xúc thật và đúng đắn của mình với công luận. Đó có thể là lí do chính đằng sau bày tỏ dũng cảm của ông Thuận.
Ông Thuận có thể sẽ bị mất tất cả chức quyền, sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới. Nhưng kể từ đây ông Lê Hữu Thuận đã có khả năng bắt đầu sống một cuộc đời hoàn toàn mới ý nghĩa hơn, cao đẹp hơn mà mọi tiền bạc, vật chất không thể mua được. Đó là cuộc đời đảng viên phản tỉnh để cứu nước, cứu dân. Ông Thuận có khả năng sẽ tự viết tên mình vào trang sử hào hùng của dân tộc sau những cái tên đáng kính như Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Lê Hồng Hà, Vi Đức Hồi, Lê Hiếu Đằng, Anh Ba Sàm-Nguyễn Hữu Vinh, và nhiều nhân vật đáng kính trọng khác.
Tâm Anh và Tiến Văn thân chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị anh chị em trong chương trình tuần tới.
14/07/2019