Thế đứng của Việt Nam trong giai đoạn mới

      QuanDiem11112016

Thưa quí thinh giả,
Mối bang giao Hoa Kỳ và Việt Nam được nối lại từ năm 1995 dưới thời TT Bill Clinton, hoàn tất một lộ trình khá phức tạp, sau những năm chuẩn bị từ thời TT Ronald Reagan sang đến TT George Bush 41, còn gọi là Bush cha. Trong 20 năm liên hệ Việt-Mỹ đã trải qua ba đời tổng thống Hoa Kỳ, còn phía Việt Nam thì vẫn do một đảng Cộng Sản độc tài lãnh đạo, mối bang giao hai quốc gia đã đi từ những bước thăm dò dè dặt, tiến dần đến đối tác chiến lược toàn diện khi TT Barack Obama sang thăm VN vào tháng 5, 2016 vừa qua, khi ông quyết định gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, và khuyến khích Việt Nam sớm thông qua Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương TPP. Để Việt Nam vững tâm hơn, Hoa Kỳ còn đón tiếp người cầm đầu đảng CSVN là Nguyễn Phú Trọng như một nguyên thủ quốc gia, trong chuyến viếng thăm nước Mỹ tháng 7/2015. Trên mặt ngoại giao, mặc dầu Việt Nam vẫn vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng và có hệ thống, nhưng qua hành động mang tính biểu tượng và ngôn ngữ ngoại giao, vấn đề luôn được phía Hoa Kỳ giảm nhẹ, để xoa dịu sự phẫn nộ của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và giới tranh đấu bất đồng chính kiến ở VN.
Sở dĩ Hoa Kỳ tỏ ra nhường nhịn VN, chẳng phải vì Hoa Kỳ mang mặc cảm thua trận mà phải rút quân sau khi đã thiệt mất hơn 58,000 chiến sĩ trên chiến trường xa xôi này; cũng chẳng phải Việt Nam là đối thủ quân sự hay kinh tế có thể đe dọa đến an ninh và phát triển của Hoa Kỳ, mà tất cả là vì quyền lợi của nước Mỹ, đó là căn bản, là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của nước này. Mà cũng chẳng phải riêng Hoa Kỳ, hầu như nước nào khi thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng phải nghĩ tới quyền lợi ưu tiên của dân tộc mình trước. Ngoại trừ đảng CSVN thì họ đặt quyền lợi của đảng CS lên trên quyền lợi của quốc gia và dân tộc. Điều nay chúng tôi không cần phải chứng minh gì thêm nữa, vì mọi chuyện đã và đang diễn ra hàng ngày trên khắp nước ta, khi đảng CSVN phục tùng Trung Cộng, và chống lại người dân nước mình rất ác liệt.
Chính sách đối ngọai của Hoa Kỳ sẽ có nhiều thay đổi khi tỷ phú Donald Trump thắng cử hôm 8/11. Trong lời phát biểu đầu tiên khi cuộc kiểm phiếu cho biết ông đã đạt được 270 phiếu Đại Cử Tri Đoàn để trở thành TT thứ 45 của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Ông Trump đã phát biểu như sau: “Tôi muốn nói với cộng đồng thế giới rằng trong khi chúng tôi luôn luôn đặt quyền lợi của Hoa Kỳ lên trên hết, thì chúng tôi cũng thương lượng một cách công bằng với mọi người. Với tất cả các dân tộc và tất cả các quốc gia khác. Chúng tôi sẽ tìm kiếm điểm tương đồng, chứ không phải sự đối nghịch, sự hợp tác chứ không phải sự xung đột.” (I want to tell the world community that while we will always put America’s interests first we will deal fairly with everyone. All people and all other nations. We will seek common ground, not hostility, partnership not conflict.)
Chắc chắn chính sách ngoại giao của tân TT Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến toàn vùng Á Châu Thái Bình Dương, trong ấy có vấn đề Biển Đông, nơi mà Việt Nam giữ một vị trí chiến lược quan trọng, và là cửa ngõ thông ra Thái Bình Dương tốt nhất mà Trung Cộng thèm muốn, nhưng bất hạnh cho Việt Nam, vì nước này đang do đảng CS lãnh đạo, mà đảng CSVN thì hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Cộng, một cường quốc đang phát triển có tham vọng thống lĩnh cả vùng Đông Nam Á. Trung Cộng đã thành công mua chuộc được TT Philippines Duterte, thủ tướng Malaysia Rajib Razack, thủ tướng Hunsen của Cambodia. Rồi ra sẽ còn mua chuộc những nước khác nữa.
Nếu HK giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Á Châu như ông Trump mong muốn, đặc biệt Nam Hàn và Nhật Bản thì hai quốc gia này lập tức sẽ phải võ trang vũ khí hạt nhân để tự vệ, với khả năng kỹ thuật sẵn có, điều này chẳng có gì khó khăn gì, và như thế chẳng phải Bắc Hàn mà cả Trung Cộng cũng không còn dám gây rắc rối thêm nữa. Từ đó một thế cân bằng và ổn định khu vực được thiết đặt. Môt khi TC gặp khó khăn thì những nước chạy theo TC cũng sẽ gặp khó khăn. Còn đối với VN thì sao?
Viễn ảnh chính sách của Hoa Kỳ thay đổi sắp tới đặt ra mối quan ngại sâu sắc cho hơn 90% người dân Việt Nam, những người có thiện cảm với Hoa Kỳ, nhưng không ưa Trung Cộng, và với hơn 4 triệu người Việt sống ở nước ngoài, đặc biệt là gần hai triệu người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ, muốn thấy một nước Việt Nam thật sự có dân chủ, độc lập, phú cường, không còn độc tài cộng sản, không bị lệ thuộc Trung Cộng. Muốn vậy thì người Việt trong nước và hải ngoại phải thực hiện ba điều: một là thay đổi thế chế chính trị ở VN, hai là dứt khoát chia tay TC, và ba là kết thân hơn với Hoa Kỳ, tao thế liên lập với các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực.
Tóm lại đây là một cơ hội cho Việt Nam quyết định thế đứng của mình trên bàn cờ quốc tế trong giai đoạn có những thay đổi lớn sắp diễn ra.
Cám ơn quí thinh giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

LLCQ

You May Also Like

Leave a Reply