Mở đầu chương trình, Vân Hà & Thiên An mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.
Tin Tức: Thứ Hai 10.09.2023
1/ MỸ – VIỆT ĐỒNG Ý NÂNG CẤP QUAN HỆ ĐỂ ĐỐI PHÓ TRUNG CỘNG
Vào hôm qua, Chủ nhật 10/9, hai nước Mỹ – Việt đã đồng ý nâng cấp quan hệ lên mức toàn diện nhằm đối phó với Trung Cộng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến gặp gỡ Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng đã đồng ý quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đồng thời ông Biden đã đạt được các thỏa thuận với VN về chất bán dẫn và khoáng sản.
Trong khi đó giới chức cao cấp của Trung Cộng, có thể bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, dự trù sẽ đến thăm Việt Nam trong những ngày tới, khi Hà Nội tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các siêu cường. Điều này xảy ra khi mối quan hệ lâu dài của Việt Nam với Nga đang phải đối mặt với những thử thách về cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cả các cuộc đàm phán với Nga về một thỏa thuận cung cấp vũ khí mới.
Thông tấn xã Reuters cũng cho biết đã xem các tài liệu mô tả các cuộc đàm phán về một khoản tín dụng mà Nga sẽ cấp cho Việt Nam để mua vũ khí hạng nặng, bao gồm phi đạn chống chiến hạm, máy bay và trực thăng chống tàu ngầm, hệ thống phi đạn phòng không và chiến đấu cơ.
Một trong số đó là lá thư của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gửi chính phủ Nga vào tháng 5, thể hiện sự quan tâm đến thỏa thuận trị giá đến 8 tỷ Mỹ kim.
Cần biết chuyến thăm của Biden diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại và đầu tư song phương đang phát triển mạnh mẽ và tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng đang nóng lên ở Biển Đông.
Một quan chức Mỹ cho biết chất bán dẫn vẫn là trọng tâm của kế hoạch hành động được thông qua trong chuyến thăm của Biden. Một vấn đề quan trọng khác là tăng cường chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng, đặc biệt là đất hiếm, trong đó Việt Nam có trữ lượng lớn nhất thế giới sau Trung Cộng, theo ước tính của Mỹ.
2/ HỘI NGHỊ G20 TRÁNH LÊN ÁN NGA XÂM LƯỢC UKRAINE
Một ngày trước khi kết thúc thượng đỉnh New Delhi, khối G20 đã công bố bản tuyên bố chung, nội dung tránh trực tiếp lên án Nga xâm lược Ukraine nhưng nhấn mạnh đến việc xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành động phi pháp.
Ngoại trưởng Nga xem đây là một thành công, nhưng Ukraine tỏ ra thất vọng khi cho rằng về tuyên bố liên quan đến chiến tranh Ukraine là G20 “không có gì để tự hào”.
Trái ngược với thất bại của Indonesia ở thượng đỉnh G20 Bali vào năm ngoái, lần này Ấn Độ đã thành công trong việc thuyết phục tất cả các bên ra một bản tuyên bố chung kết thúc thượng đỉnh New Delhi.
Sau nhiều vòng đàm phán gay go, khối G20 đồng ý về một bản tuyên bố chung dài 37 trang, với sự đồng thuận của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và giới lãnh đạo của khối phương Tây. Trong cuộc họp báo vào sáng hôm qua 10/9, ông Lavrov đánh giá hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi là “thành công” và các bên đã có lập trường “cân bằng” về vấn đề Ukraine, cho dù Moscow vẫn quan niệm Ukraine “phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến này”.
Để có được bản tuyên bố chung , khối G20 tránh xử dụng các cụm từ lên án Nga xâm lược mà chỉ nói chung chung là “Tất cả các quốc gia cần tránh đe dọa hay xử dụng vũ lực để xâm chiếm, vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ một quốc gia nào khác”.
Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Ukraine, ông Olge Nikolenko, đã lên tiếng cảm ơn các bên đã nỗ lực đưa chiến tranh Ukraine vào bản tuyên bố chung, tuy nhiên đáng tiếc là khối G20 đã không dám nêu đích danh Nga là bên xâm lược. Theo quan chức này thì khối G20 “không có gì đáng tự hào”.
Trong ngày cuối cùng thượng đỉnh khối G20, giới lãnh đạo 20 nước giàu nhất thế giới đã viếng thăm lăng Mahatma Gandhi trước khi thủ tướng Ấn Độ chuyển giao vai trò chủ tịch luân phiên năm 2024 cho tổng thống Brazil.