Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh và Thiên An trình bày sau đây:
Tin Tức: Thứ Ba, ngày 18/10/2022
1/ TNLT TRỊNH BÁ TƯ HAI LẦN BỊ TỪ CHỐI GẶP NGƯỜI THÂN.
Tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư, người đang bị nhà cầm quyền cs VN tuyên án 8 năm tại trại giam số 6 huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, vẫn chưa được đám cai tù cho gặp gia đình trong tháng 10 sau hơn một tháng tuyên bố tuyệt thực và bị kỷ luật cùm chân.
Sự việc xảy ra vào ngày 15/10 khi ông Trịnh Bá Khiêm, cha của ông Tư, đến trại giam để thăm con trai nhưng không được cho gặp. Mười ngày trước đó, ông Khiêm cũng đến trại giam nói trên nhưng cũng bị từ chối cho gặp gỡ con trai và nhận đồ thăm nuôi với lý do là ông Tư còn đang bị kỷ luật.
Cần biết là trong lần thăm gặp gỡ vào ngày 20/9, ông Trịnh Bá Tư nói với ông Khiêm là ông bị đánh. Một cai tù cho biết là ông Tư bị kỷ luật “vì đã viết đơn vu cáo”. Gia đình ông Tư không biết cụ thể đơn tố cáo có nội dung gì nhưng chỉ được biết là đơn được viết vào ngày 6/9, sau đó ông Tư bị đánh và bị đưa đến buồng kỷ luật, bị cùm chân trong 10 ngày.
Ông Trịnh Bá Tư 33 tuổi cùng với mẹ là bà Cấn Thị Thêu và anh trai Trịnh Bá Phương là những người hoạt động về quyền đất đai trong nhiều năm qua. Bà Thêu và hai con trai cùng bị bắt vào tháng 6 năm 2020, sau đó bị kết tội với mức án 26 năm tù.
Trại giam số 6 nằm ở khu vực có khí hậu khắc nghiệt nhất ở miền trung. Năm 2019, cựu giáo chức Đào Quang Thực đã chết trong trại giam này. Ba năm sau, đầu tháng tám vừa qua, nhà báo Đỗ Công Đương cũng mất tại đây. Cả hai ông đều mạnh khoẻ trước khi bị chuyển đến cơ sở giam giữ này.
2/ NHÀ BÁO PHẠM ĐOAN TRANG ĐƯỢC GẶP GIA ĐÌNH LẦN ĐẦU TIÊN.
Sau gần 2 năm bị bắt giam và bị tuyên án 9 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước”, nhà báo Phạm Đoan Trang đã có cuộc gặp gỡ gia đình lần đầu tiên kể từ khi chuyển đến trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương, vào ngày 1/10 vừa qua.
Trong chuyến thăm gặp hôm 12/10 tại trại giam An Phước còn có bà Phạm Thị Lân, vợ nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, người đang thọ án 11 năm tù với cáo buộc tương tự như trên. Bà Phạm Thị Lân cho biết là sau cuộc gặp chồng mình thì thấy gia đình Đoan Trang cũng vừa rời khỏi. Hỏi chuyện thì được biết là sức khỏe của bà Trang có vẻ không ổn, bị cai tù dìu ra gặp gia đình.
Cũng theo bà Lân thì gia đình cũng không hề được thông báo việc chuyển bà Trang về trại giam An Phước.
Trong chuyến gặp gỡ lần này, bà Lan cho hay sức khoẻ chồng bà, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, vẫn không khá hơn những lần thăm gặp trước với bệnh xương khớp đang hoành hành và cao áp huyết. Ông Nguyễn Tường Thuỵ 70 tuổi bị bắt giữa năm 2020 cùng với chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập là ông Phạm Chí Dũng và ông Lê Hữu Minh Tuấn.
Vào năm 2021, trong một phiên toà chỉ kéo dài chưa đầy một ngày, tòa án Sài Gòn tuyên án ông Dũng 15 năm tù giam, riêng ông Thuỵ và ông Tuấn đều bị án 11 năm với cáo buộc “tuyên truyền chống phá chế độ”.
3) QUỐC HỘI CSVN SẼ MIỄN NHIỆM CHỨC DANH BỘ TRƯỞNG GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 4 được tổ chức từ ngày 20/10 đến ngày 15/11 dự kiến sẽ miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải của ông Nguyễn Văn Thể. Lý do miễn nhiệm được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết là “Theo nguyện vọng cá nhân và sự phân công cấp có thẩm quyền”. Ông Thể được đánh giá là đã khai triển tốt nhiệm vụ được giao kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tuy nhiên, công luận và báo giới đã nhắc tên ông Thể trong vụ án Đinh La Thăng và các sai phạm liên quan đến Dự án cao tốc TPHCM – Trung Lương bị xác định là có sai phạm.
Ông Nguyễn Văn Thể sinh năm 1966; quê gốc Đồng Tháp, có bằng Tiến sĩ Khoa học kỹ thuật giao thông. Trong hai năm, từ 2013 đến 2015, ông Thể từng giữ chức Thứ trưởng GTVT. Sau đó được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng từ năm 2015 đến khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ GTVT vào tháng 10/2017 đến nay.
4) TÀU CỘNG TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ 20.
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 đã khai mạc tại Bắc Kinh hôm 16/10 và dự kiến sẽ kéo dài trong một tuần. Khoảng 2.300 đại biểu sẽ họp để bầu chức danh Tổng bí thư và chắc chắn ông Tập sẽ tiếp tục cương vị này trong nhiệm kỳ thứ 3. Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tập Cận Bình đã sửa đổi Hiến pháp vào năm 2018, Quốc hội Trung Quốc đã chính thức ra luật, cho phép họ Tập có thể nắm quyền Chủ tịch nước đến hết đời. Phát biểu tại phiên khai mạc, Tập Cận Bình cam kết “thống nhất” Trung Quốc bằng cách đặt Đài Loan dưới sự kiểm soát của đại lục. Ông Tập nói Bắc Kinh sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết” để dập tắt “các phong trào ly khai,” thậm chí bằng vũ lực nếu cần thiết. Tập Cận Bình cũng bảo vệ chính sách zero-covid, gọi các biện pháp ngăn chặn virus là “cuộc chiến toàn dân.” Tập Cận Bình hiện đang giữ ba vị trí quyền lực nhất tại Trung Quốc – Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch nước.