Thưa quý thính giả,
Phạm Đoan Trang là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ. Trong nhiều tác phẩm đấu tranh của cô chúng tôi đã chọn cuốn” Cẩm nang nuôi tù” để giới thiệu với thính giả vì nó rất cần thiết cho rất nhiều gia đình có thân nhân đang bị bạo quyền cầm tù. Hơn nữa làn sóng bắt bớ vẫn đang lan rộng nên sẽ có nhiều người sẽ phải ở trong thân phận” nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
Sau đây mời quý thính giả theo dõi phần tiếp theo của Cẩm Nang Nuôi Tù sẽ do
Bảo Trân phụ trách để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối nay.
Cẩm Nang Nuôi Tù (tiếp tho)
Phạm Đoan Trang
Thuật ngữ/ Khái niệm – Nhà nước cảnh sát/ Nhà nước công an trị
Định nghĩa/ Cách hiểu của quốc tế: Là nhà nước duy trì và thực thi quyền lực nhờ vào sức mạnh vô đối của lực lượng công an. Trong nhà nước cảnh sát, chức năng, nhiệm vụ chủ yếu, quan trọng nhất của công an không phải là chống tội phạm, bảo vệ tự do (tức là bảo vệ quyền của mỗi người dân, không để tự do của người này xâm phạm vào tự do của người kia). Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu, quan trọng nhất của công an trong nhà nước cảnh sát là bảo vệ chế độ, tức là phát hiện và dập tắt mọi hành động phản kháng về chính trị, hành động có thể ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của nhà cầm quyền.
Thuật ngữ/ Khái niệm – Hoạt động
Định nghĩa/ Cách hiểu của quốc tế: Là những công việc, những hành động, những nỗ lực nhằm thúc đẩy, hoặc ngăn chặn, hoặc dẫn dắt, hoặc tác động đến những thay đổi về chính trị, xã hội, kinh tế, môi trường… với mong muốn tạo ra sự thay đổi trong cộng đồng. Các hình thức hoạt động cực kỳ đa dạng: làm truyền thông, gửi kiến nghị đến các cơ quan nhà nước, kiện tụng, tẩy chay, đình công, tuần hành, biểu tình, tọa kháng, tuyệt thực…
Định nghĩa/ Quan điểm của Việt Nam: Không công nhận tất cả những hoạt động này. Tệ hơn nữa, luôn sẵn sàng đàn áp. Đánh đồng các hoạt động này với “gây rối trật tự công cộng”, “âm mưu hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”, “phá rối an ninh”, “tuyên truyền chống nhà nước”, vv…bắt giam và bỏ tù nhà hoạt động, phá các tổ chức hoạt động.
Thuật ngữ/ Khái niệm – Người hoạt động nhân quyền/ Người bảo vệ nhân quyền
Định nghĩa/ Cách hiểu của quốc tế: Là “người có hành động nhằm thúc đẩy hoặc bảo vệ nhân quyền, một cách độc lập hoặc có phối hợp, liên kết với những cá nhân khác” (định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc – OHCHR). Khái niệm này tính cả những người hoạt động trên mạng (tức các blogger, facebooker), và công việc bảo vệ nhân quyền bao gồm cả việc báo cáo, phổ biến, phát tán thông tin về các vụ vi phạm nhân quyền, đấu tranh đòi chính quyền phải minh bạch và nâng cao chất lượng quản trị, cũng như theo đuổi công lý, chống oan sai, v.v.
Định nghĩa/ Quan điểm của Việt Nam: Không thừa nhận.
Thuật ngữ/ Khái niệm – Người bất đồng chính kiến
Định nghĩa/ Cách hiểu của quốc tế: Là người không thỏa mãn (bất mãn), không tán thành, hoặc nhiều hơn nữa là phản đối các đường lối, chính sách của đảng cầm quyền/ nhà nước/ chính quyền. Ở các nước dân chủ, bất đồng với chính quyền được coi là một quyền con người.
Định nghĩa/ Quan điểm của Việt Nam: Không thừa nhận
Thuật ngữ/ Khái niệm – Tù chính trị
Định nghĩa/ Cách hiểu của quốc tế: Là người bị bỏ tù vì đã tham gia hoạt động chính trị. Cũng có thể định nghĩa đó là người bị bỏ tù vì các nguyên nhân thuần túy chính trị chứ không phải vì phạm một tội hình sự nào. Hoặc là người bị bỏ tù vì các động cơ chính trị của nhà cầm quyền.
Định nghĩa/ Quan điểm của Việt Nam: Không thừa nhận, với luận điệu ở nước Việt Nam dưới chế độ XHCN không có tù chính trị. Tuy nhiên, ngôn ngữ tuyên truyền gọi những người tù cộng sản thuộc các thế hệ đầu (trước khi đảng Cộng sản giành được quyền lực) là “chính trị phạm”, để phân biệt với tù “thường phạm”, tức là tù hình sự.
Từ bảng trên, ta thấy: Có nhiều khái niệm được thế giới nhìn nhận và được quy định trong luật quốc tế; trong khi đó, nhà nước cộng sản Việt Nam và luật pháp Việt Nam nhất định không thừa nhận, không nhắc đến. Chẳng hạn như các khái niệm “tù nhân lương tâm”, “tù chính trị”, “người bất đồng chính kiến”, “biệt giam”, “tra tấn”. Việc không thừa nhận, không nhắc đến này là để nhà cầm quyền có thể xử tội những người đó, thậm chí có thể hành hạ họ bằng các hình thức biệt giam, tra tấn… mà không bị coi là vi phạm luật quốc tế. Tóm lại, đó là cách để nhà nước CHXHCN Việt Nam lách luật quốc tế, qua mặt cộng đồng quốc tế.