Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Bảo Trân và Nguyên Khải
Tin Tức: Chủ Nhật 17.11.2019
1)Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN
Ông Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng quốc phòng cs Việt Nam, sẽ dẫn đầu phái đoàn CS Việt Nam tham dự Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN tại Bangkok trong các ngày 16-19/11. Một trong những chủ đề của hội nghị sẽ là việc Trung Cộng ngày càng hung hăng ở Biển Đông.
Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng năm nay có sự tham gia của hai bộ trưởng quốc phòng của Hoa Kỳ và Trung Cộng.
Đây là một cơ hội cho Việt Nam đưa ra vấn đề Biển Đông để kêu gọi sự lên tiếng của các quốc gia tham gia. Tuy nhiên, việc nhà cầm quyền Hà Nội tránh chỉ rõ sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông của Trung Cộng sẽ làm cho các quốc gia khác thận trọng hơn.
2)Gần 300 công nhân vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông bỏ việc
Gần 300 trong tổng số 700 người được Hà Nội đào tạo để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông bỏ việc vì lý do dự án kéo dài quá lâu. Dù chưa biết dự án tàu điện trên cao Cát Linh- Hà Đông khi nào được chính thức hoạt động, nhà cầm quyền Hà Nội đã tuyển gần 1,000 nhân viên để chuẩn bị cho việc vận hành dự án dài 13 km. Hơn 200 người trong số họ được gửi sang đào tạo tại Trung Cộng, số còn lại tham gia nhiều khoá học trong nước.
Trong suốt gần 2 năm qua, Hà Nội đã trả lương cho số nhân viên này mặc dù họ không có việc làm. Ngân sách dự án cũng bị đội lên từ 8.700 nghìn tỷ lên khoảng 18.000 tỷ. Nhà thầu đến từ Trung Cộng là bên thực hiện dự án.
3)Bắt 4 người liên quan sai phạm trong dự án xa lộ 34.500 tỷ
Báo chí lề đảng đưa tin Bộ công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 người liên quan vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến dự án xa lộ trị giá 34.500 tỷ. Những người bị bắt gồm: Nguyễn Tiến Thành- cựu giám đốc Ban quản lý dự án xa lộ Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Hà Văn Bình- cựu giám đốc gói thầu số 7 của đơn vị trên, Phạm Đình Phú- phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành và là giám đốc Ban điều hành gói thầu số 5, và Nguyễn Thành An- phó giám đốc Ban điều hành gói thầu số 7.
Cả 4 người này bị khởi tố về cáo buộc “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 298 của Bộ luật Hình sự năm 2015”.
Cáo trạng nói những bị can trên có hành vi sai phạm, gây thiệt hại trong quá trình thi công, nghiệm thu dự án xa lộ Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Trước đó, từ tháng 10 năm 2018, báo chí phát hiện trên xa lộ Đà Nẵng – Quảng Ngãi chi chít ổ gà ngay sau khi nghiệm thu. Điều tra cho thấy việc xây dựng xa lộ này có vấn đề, có thể do bớt xén vật liệu và thi công ẩu.
4)Trung Cộng bắt đầu sử dụng quân đội ở Hongkong
Nhà cầm quyền Trung Cộng bắt đầu sử dụng quân đội điều động từ chính Hoa lục để tham dự vào việc giải quyết xung đột với giới bất đồng chính kiến ở Hongkong.
Tuy quân đội được điều động đến trường đại học Baptist Hongkong (HKBU) vào chiều thứ Bảy ngày 16/11 để dọn dẹp trận địa gạch và rào chắn do người biểu tình bày ra, nhưng sự có mặt của binh lính trong quần áo dân sự đã gửi một thông điệp cứng rắn đến người biểu tình. Nhà cầm quyền Hongkong cũng điều động 70 sát thủ của lực lượng bảo vệ trại giam mang biệt danh Biệt đội Phi Hổ để đối phó với người biểu tình. Lực lượng này được giao nhiệm vụ bảo vệ các toà nhà có các cơ quan quan trọng của thành phố.
Những động thái trên của Bắc Kinh và Hongkong làm gia tăng lo ngại của người biểu tình cũng như giới quan sát quốc tế. Trong sáu tháng qua, người biểu tình đã bị đàn áp dã man bởi hắc cảnh và mật vụ.
5)Nhà văn gốc Hoa bị cầm tù ở Trung Cộng được trao giải thưởng PEN Thuỵ Điển
Hội nhà văn quốc tế PEN International tại Thụy Điển đã trao giải Tucholsky nổi tiếng cho ông Quế Dân Hải (Gui Minhai), nhà bất đồng chính kiến làm nghề xuất bản đang bị cầm tù ở Trung Cộng. Buổi lễ trao giải được tổ chức vào thứ Sáu ngày 15/11 tại Bảo tàng Stockholm với sự hiện diện của truyền thông và cảnh sát. Ông Quế Dân Hải không thể đến dự để nhận giải thưởng trực tiếp từ Bộ trưởng Văn Hóa Thụy Điển Amanda Lind, người chỉ có thể gởi gắm vài lời đến chiếc ghế trống.
Ông Quế Dân Hải đã có quốc tịch Thuỵ Điển sau khi tốt nghiệp đại học ở Goteborg. Ông trở về Hongkong để hoạt động xuất bản và đấu tranh dân chủ. Do không thích những cuốn sách của giới bất đồng chính kiến mà ông đã in ra, nhà cầm quyền Trung Cộng đã bắt giữ và tống giam ông.
Giải thưởng này, từng vinh danh các nhà văn có tên tuổi như Salman Rushdie hay Taslima Nasreen, chỉ trao tặng cho một nhà văn quốc tế bị truy bức ở trong nước.
Bắc Kinh phản đối việc trao giải cho ông Quế Dân Hải, đe doạ sẽ trả đũa Thuỵ Điển trong thương mại và hợp tác kinh tế khác.