Tin tức ngày thứ Tư, 15.11.2017

      TinTuc15112017

VN VẪN NẰM TRONG DANH SÁCH CÁC QUỐC GIA BÓP NGHẸT MẠNG LƯỚI INTERNET
Trong phúc trình thường niên năm nay, tổ chức Freedom House tiếp tục liệt kê VN vào danh sách các nước đã siết chặt quyền xử dụng mạng lưới truyền thông điện tử.
Phúc trình công bố vào hôm qua cho thấy là rất nhiều nước bắt chước Trung Cộng và Nga trong việc độc quyền mạng lưới internet, một công cụ truyền thông đã giúp ích rất nhiều trong việc phát triển mạnh mẽ kinh tế và xã hội trên thế giới ngày nay.
Theo phân tích của Freedom House, trong số 10 chủ điểm quan trọng của internet, VN đã siết chặt hết 8 chủ điểm. Và tương tự như Trung Cộng, VN đã bắt bớ hàng loạt nhà bất đồng chính kiến dựa trên các bài viết và bình luận mà họ phổ biến trên mạng truyền thông điện tử.
Cũng theo phúc trình này thì Trung Cộng và Nga là hai nước đầu tiên áp dụng việc thuê mướn hay trả lương cho các dư luận viên để tuyên truyền cho chế độ và trấn áp những tiếng nói khác biệt. Thủ đoạn này bây giờ đã lan đến nhiều quốc gia đang sống dưới chế độ độc tài hay quân phiệt. Trong phần kết luận, phúc trình nhận định là quyền tự do xử dụng internet đã liên tục bị suy giảm suốt 17 năm qua.
HAI TỜ BÁO ĐIỆN TỬ BỊ RA LỆNH ĐÌNH BẢN 3 THÁNG
Bộ thông tin truyền thông VN, gọi tắt là bộ 4T, vào hôm qua đã ra lệnh đóng cửa báo Phụ nữ & Đời sống và tạp chí Nhà Quản Lý trong 3 tháng và phạt vạ hơn 5 ngàn Mỹ kim
Theo cáo buộc của bộ 4T thì tờ báo Phụ nữ đã có một bài viết sai trái trong ấn bản phát hành ngày 29/10 vừa qua. Riêng tờ Nhà Quản Lý thì bị cáo buộc là viết sai sự thật trong bài viết liên quan đến tệ nạn tham nhũng tại tỉnh Bình Phước vào ngày 21/8. Theo quyết định phạt vạ của bộ 4T thì sau 3 tháng đóng cửa, bộ này sẽ cứu xét kỹ càng trước khi cho phép tái bản.
Cần nói thêm là trong 3 năm qua, hàng loạt báo lề đảng đã bị đình bản, phạt vạ hay tước thẻ nhà báo với cáo buộc là loan tin sai trái. Vào năm 2014, 3 tờ Tiền Phong, Đất Việt và Kiến Thức mỗi tờ bị phạt 60 triệu đồng. Đến năm 2015 thì tờ Đời sống và Pháp luật cũng bị đình bản 3 tháng. Vào năm ngoái thì tờ Thanh Niên bị phạt 200 triệu đồng vì bài viết “nước mắm nhiễm thạch tín”. Gần đây nhất vào tháng 7 vừa qua, 3 tờ Thanh Niên, Người Lao Động và Pháp luật Sài Gòn cũng bị thi hành kỷ luật với cáo buộc là loan tin sai sự thật.
THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG XUẤT HIỆN Ở MIỀN NAM TỪ NHÀ MÁY GIẤY LEE & MAN
Tờ Pháp Luật ở Sài Gòn hôm qua loan tin là rất nhiều người dân đã lên tiếng than phiền về mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ nhà máy sản xuất giấy Lee & Man ở tỉnh Hậu Giang.
Bản tin cho biết là chính ông chủ tịch thị trấn Mái Dầm, nơi nhà máy này tọa lạc, cũng xác nhận là có mùi hôi thối bốc lên từ nhà máy này, cùng với tiếng ồn quá lớn trong mấy ngày qua. Thế nhưng khi liên lạc với sở tài nguyên môi trường Hậu Giang thì được trả lời là chưa thể trả lời báo chí về lời than phiền này vì các quan chức sở này đang mắc bận.
Cần nhắc lại, nhà máy Lee & Man là do chủ nhân Trung Cộng đầu tư hoàn toàn. Mặc dù bị dư luận chống đối vì sợ ô nhiễm sông Hậu, nhưng nhà nước VN vẫn cho phép nhà máy bắt đầu vận hành vào cuối năm ngoái, tuy nhiên chỉ vài tuần sau là nhà máy dược lệnh phải ngưng hoạt động vì tiếng ồn quá lớn. Đến đầu tháng 10 thì nhà máy lại được bộ tài nguyên môi trường VN cho phép tái hoạt động.
ĐẾN PHIÊN TRẠM LỘ PHÍ BÌNH ĐỊNH HỖN LOẠN VÌ BỊ TRẢ BẰNG TIỀN LẺ
Theo gương những nơi khác, trong mấy ngày qua, giới tài xế qua lại trạm thu lộ phí Nam Bình Định đã xử dụng phương thức trả bằng tiền lẻ khiến giao thông bị tắt nghẽn trầm trọng trên đoạn đường này.
Hình thức phản đối này đã được giới tài xế thực hiện một cách nhịp nhàng kể từ 4 giờ rưỡi chiều thứ Hai tại trạm lộ phí Nam Bình Định trên quốc lộ 1A ở phường Nhơn Hòa thuộc thị xã An Nhơn. Rất đông công an được huy động đến nơi để điều khiển giao thông nhưng xe cộ vẫn xếp hàng dài cả cây số ở hai đầu trạm này cho đến chiều tối. Hiện chưa rõ là cuộc đấu tranh ôn hòa này của giới tài xế có đạt được yêu cầu cắt giảm lộ phí hay không.
Trong một diễn biến khác thì tuyến đường sắt bắc – nam đã được nối lại sau 10 ngày bị cắt đứt ở Đèo Cả, thuộc địa phận tỉnh Tuy Hòa. Vào lúc 11 giời trưa hôm qua, giới chức hỏa xa đã cho một đoàn tàu chạy với vận tốc 5 cây số trên Đèo Cả để thử nghiệm mức độ an toàn ở khúc đường dài mấy trăm thước bị sạt lở xuống thung lũng trong đợt bão lụt vào hai tuần trước.
DÂN PHÚ QUỐC BỊ CÚP NƯỚC SẠCH GẦN MỘT THÁNG QUA
Gần một tháng qua, người dân ở đảo Phú Quốc đã lâm vào tình cảnh khốn đốn vì không có nước sạch để sinh hoạt. Thê thảm hơn nữa là giới hữu trách cho biết tình cảnh khốn đốn này sẽ còn kéo dài thêm khoảng 2 tháng nữa.
Theo lời kể của người dân thì gần một tháng qua, nhiều khu phố ở thị trấn Dương Đông chỉ được cung cấp nước một cách nhỏ giọt vào lúc sáng sớm thôi. Không chỉ có dân chúng mà các khách sạn cũng lâm vào cảnh lao đao vì khan hiếm nước. Lý do chính yếu là vì hồ nước Dương Đông đang cạn kiệt, nên nhà máy lọc nước chỉ có cung cấp khoảng 20 ngàn thước khối mỗi ngày. Hơn thế nữa các máy bơm của nhà máy đã chạy hết công suất vì thế phải mua thêm máy bơm mới đủ sức cung cấp cho nhu cầu hiện nay, đặc biệt là cho các công trình đang xây dựng trên đảo này.

You May Also Like

Leave a Reply