Tintuc26102016
DÂN HÀ TĨNH BAO VÂY TRỤ SỞ THÀNH PHỐ ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Vào chiều hôm qua, hàng trăm người dân thuộc xã Thạch Hạ đã kéo đến bao vây trụ sở hành chánh của thành phố Hà Tĩnh để đòi bồi thường thiệt hại vì thảm họa Formosa. Trước khí thế sôi sục của người dân, giới quan chức đã trốn né bên trong, không dám ra gặp.
Các hình ảnh phổ biến trên mạng cho thấy người dân giương cao các biểu ngữ trước trụ sở, với các dòng chữ “Formosa làm thiệt hại nghề nghiệp và đời sống của chúng tôi” và “Dân Thạch Hạ đề nghị thành phố tiến hành việc bồi thường thiệt hại”. Để đối phó, giới chức thành phố ra lệnh đóng cổng và huy động công an ra ngăn chận. Một công an đề nghị người biểu tình thu thập ý kiến rồi nộp lên văn phòng tiếp dân, nhưng người biểu tình không đồng ý. Cuối cùng thì người dân đồng ý cử vài đại diện vào bên trong để nói lên các yêu cầu của dân Thạch Hạ, sau đó mới giải tán ra về.
Cần biết là xã Thạch Hạ nằm ven biển phía bắc thành phố Hà Tĩnh và là nơi bị thiệt hại nặng nề trong thảm họa cá chết vì nhà máy Formosa xả chất độc hại ra biển.
HÀNG TRĂM CÔNG AN TẤN CÔNG CƯỠNG CHIẾM KHU NGHĨA TRANG DƯƠNG NỘI
Như tin đã loan vào hôm qua, hàng trăm công an và côn đồ đã tràn vào khu nghĩa địa Giải Phướn ở Dương Nội, thuộc quận Đống Đa – Hà Nội, để chiếm đoạt khu đất bị trưng thu để xây khu đô thị Lê Trọng Tấn.
Từ sáng sớm, đạo quân chiếm đất đã điều động máy ủi vào khu nghĩa trang và thiết lập hàng rào bao quanh. Anh Trịnh Bá Phương, một thanh niên tham gia cuộc đấu tranh giữ đất của dân Dương Nội, cho biết là trong nghĩa trang có những thi hài được an táng từ năm 1945. Vào năm 2010, nghĩa trang này từng bị san bằng, quan tài và xương cốt người chết vương vãi khắp nơi. Đến hôm qua thì toàn bộ các ngôi mộ còn lại đều bị hủy diệt.
Trước khi dựng tôn lập thành hàng rào, đạo quân chiếm đất đã nặng tay xua đuổi những người dân đã bám trụ giữ đất suốt mấy ngày qua, khiến nhiều người bị thương.
HƠN 70 DÂN BIỂU THẾ GIỚI YÊU CẦU VIỆT NAM TRẢ TỰ DO CHO LS NGUYỄN VĂN ĐÀI
Hơn 70 dân biểu thuộc 14 quốc gia đã đồng gửi thư đến Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc, nội dung yêu cầu trả tự do cho Luật sư Nguyễn Văn Đài và người phụ tá của ông là cô Lê Thu Hà.
Trong lá thư ký ngày 24/10, các dân biểu nhắc nhở ông Phúc về công ước nhân quyền quốc tế mà nhà nước VN đã tự nguyện ký kết. Lá thư đề nghị VN phải hủy bỏ các cáo buộc đối với LS Đài và cô Lê Thu Hà, đồng thời trả tự do cho họ. Cần nhắc lại, LS Đài và cô Thu Hà bị bắt giam vào ngày 16/12/2015 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Lá thư nói trên là do nữ dân biểu Marie-Luise Dott của nước Đức khởi xướng. Trong thư, các dân biểu nhấn mạnh rằng, việc bắt giam LS Nguyễn Văn Đài là một vết nhơ trong hồ sơ nhân quyền VN và gây mất niềm tin của thế giới đối với chế độ VN.
Trong khi đó thì hàng ngàn người Việt trên khắp thế giới đã cùng ký tên vào lá thư phản đối bạo quyền VN đã bắt giam blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào hôm 10/10, cũng với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Lá thư khẳng định là Mẹ Nấm vô tội, vì cô Như Quỳnh chỉ sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình để lên án thảm họa Formosa và bênh vực cho hàng triệu người dân đang khốn khổ vì thảm họa này.
QUAN CHỨC ĐẢNG CƯỚP TIỀN CỨU TRỢ LŨ LỤT CỦA DÂN
Sau khi bị báo chí phanh phui, chủ tịch tỉnh Quảng Bình vào hôm qua ra lệnh điều tra vụ các quan chức thôn Trung Thôn, thuộc thị xã Ba Đồn, đã tước đoạt tiền cứu trợ nạn nhân bị lũ lụt.
Trước đó, tờ báo Dân Trí loan tin là các quan chức thôn Trung Thôn đã đến tận nhà người dân tịch thu các số tiền cứu trợ lũ lụt mà người dân nhận được. Điển hình là hai cụ bà bị ép buộc giao ra 400 ngàn đồng trong số tiền 500 ngàn đồng mà họ nhận được từ một phái đoàn từ thiện đến từ Sài Gòn. Biện hộ cho việc cướp đoạt này, ông phó thôn Lê Văn Luận nói rằng các số tiền thu lại này là để phân phối đồng đều cho các gia đình chứ không phải bỏ túi riêng. Tuy nhiên chủ tịch tỉnh Quảng Bình khẳng định là những quan chức nào tham gia vào vụ này sẽ bị cách chức ngay lập tức.
ĐỆ TAM HẠM ĐỘI MỸ THAM GIA CHIẾN DỊCH TUẦN TRA BIỂN ĐÔNG
Như tin đã loan, vào hôm 21/10 vừa qua, khu trục hạm Decatur của Hoa Kỳ đã áp sát hai hòn đảo thuộc Hoàng Sa nhằm chứng minh quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Điều đáng nói là chiến hạm này không thuộc Đệ thất Hạm đội Mỹ mà là thuộc Đệ tam Hạm đội. Có nghĩa là lần đầu tiên Hạm đội số 3 của Mỹ tham gia vào cuộc tuần tra ở Biển Đông kể từ sau đệ nhị thế chiến. Thông tấn xã Reuters còn cho biết thêm là việc đưa chiến hạm Decatur đến quần đảo Hoàng Sa là nhằm thách thức Trung Cộng đang quá hung hăng ở vùng biển này.
Cần nói thêm là hơn nửa thế kỷ qua, theo phân bố của Mỹ thì hạm đội 7 đặc trách vùng Á châu – Thái Bình Dương, trong khi Hạm đội 3 thì phụ trách vùng Đại Tây Dương. Theo một số nguồn tin thì việc điều động Hạm đội 3 đến Thái Bình Dương sẽ giảm bớt gánh nặng cho Hạm đội 7 tại vùng Biển Đông và biển Hoa – Đông. Về thực lực thì Hạm đội 3 hùng hậu hơn Hạm đội 7, với 100 chiến hạm và 4 hàng không mẫu hạm, trong khi Hạm đội 7 chỉ có 80 chiến hạm và một hàng không mẫu hạm.
NGA PHẢN ĐỐI HOA KỲ ĐƯA BINH SĨ ĐẾN TRÚ ĐÓNG TẠI NA UY
Giới chức Nga đã mạnh mẽ chỉ trích Hoa Kỳ về kế hoạch đưa 300 binh sĩ Mỹ đến trú đóng tại Na Uy, với cáo buộc là hành động này của Mỹ đã làm gia tăng sự căng thẳng giữa khối NATO và Nga.
Theo loan báo của bộ quốc phòng Na Uy thì 300 Thủy quân Lục chiến Mỹ sẽ đồn trú tại một cứ điểm ở miền trung Na Uy, cách biên giới hai nước Na Uy và Nga khoảng một ngàn cây số. Mục đích của kế hoạch này là nhằm huấn luyện sức chịu đựng của quân Mỹ trong thời tiết cực lạnh của Na Uy. Tuy nhiên cuộc thử nghiệm này chỉ bắt đầu vào tháng Giêng năm tới.
Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và khối Âu châu đang ngày càng căng thẳng hơn vì cuộc chiến ở Syria và Ukraine. Mặc dù Na Uy là một thành viên của khối NATO, nhưng nhiều thập niên qua, Hoa Kỳ không hề đóng quân trên đất Na Uy mà chỉ thiết lập một số trạm viễn thông quân sự.