Chuyện Nước Non Mình: Cẩm Nang Nuôi Tù (tiếp)

Thưa quý thính giả,

Phạm Đoan Trang là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ. Trong nhiều tác phẩm đấu tranh của cô chúng tôi đã chọn cuốn” Cẩm nang nuôi tù” để giới thiệu với thính giả vì nó rất cần thiết cho rất nhiều gia đình có thân nhân đang bị bạo quyền cầm tù. Hơn nữa làn sóng bắt bớ vẫn đang lan rộng nên sẽ có nhiều người sẽ phải ở trong thân phận” nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.

Sau đây mời quý thính giả theo dõi phần tiếp theo của Cẩm Nang Nuôi Tù sẽ do Bảo Trân trình bày để tiếp nối chương trình PTĐLSN tối nay.

      DLSN24022022bis Cam Nang

CẨM NANG NUÔI TÙ(tiếp)

Phạm Đoan Trang

  1. Khi làm tin truyền hình, khi viết lời bình cho video clip, tránh dùng các thuật ngữ chuyên môn hoặc các từ trong nội bộ một giới nào đó. Khi viết bài trên mạng thì có thể dùng thuật ngữ chuyên môn hoặc từ nội bộ (chỉ khi cực chẳng đã mà thôi), nhưng phải giải thích bằng cách mở ngoặc đơn bên cạnh, hoặc chú thích dưới bài, hoặc diễn giải. Đừng bao giờ mặc định rằng người đọc, người xem hiểu mọi điều y như mình hiểu.
  2. Hãy kể chuyện. Hãy tìm các chi tiết để kể lại.

Ví dụ:

Sau khi Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tuyên bố tuyệt thực, công an, quản giáo trại 5 Thanh Hóa liền tăng cường rình mò, đặt máy quay để ghi hình lén Quỳnh. Khi bà Tuyết Lan vào thăm con, Quỳnh nói với mẹ: “Họ tưởng là con lục đồ ăn đó hả, không có đâu. Con chỉ sắp xếp lại đồ đạc thôi. Tưởng đặt máy quay, quay lén con mà ngon”. Bị bóc mẽ, đám quản giáo ngồi canh hét lên: “Chị không được nói những điều ấy ở đây”. Chẳng ngờ bị Quỳnh bóc tiếp: “Tôi có quyền nói”.

  1. Hãy sử dụng các chi tiết mô tả, tường thuật, khiến người đọc/người nghe có thể hình dung được sự việc và có cảm tưởng như họ được chứng kiến tận mắt sự việc.
  2. Để bài viết/ video sâu sắc hơn về nội dung (đầy đủ thông tin hơn nữa) thì nên có sự so sánh với các nơi khác, nên có yếu tố “lịch sử sự kiện”. Nhưng đừng đưa lịch sử lên đầu bài. Thông tin về lịch sử tuy quan trọng nhưng chỉ nên để ở về phía cuối bài (phía đáy của hình chóp ngược).
  3. Để thông tin được chi tiết thì nên có số liệu. Nhưng đừng lạm dụng vì nói chung người đọc, người xem đều không thích môn toán. Khi có số liệu, nên có sự so sánh, đối chiếu, quy đổi, diễn giải để người ta hiểu ý nghĩa của con số.
  4. Người đưa tin, người làm truyền thông càng ít nhắc đến mình, càng ít viết về mình, càng tốt, chỉ trừ phi bản thân sự có mặt của họ là một thông tin quan trọng. Bạn có thấy báo chí, nhất là trong thể loại tin tức, người viết, người đưa tin hầu như không xưng “tôi”? Đó là vì độc giả, khán thính giả chỉ quan tâm đến tin tức, đến sự kiện, vấn đề; họ không có nhu cầu quan tâm đến tác giả bài báo hay người đưa tin.

Tương tự, khi chụp ảnh báo chí, bạn nên tránh có mặt trong hình, đặc biệt nên tránh selfie (tự chụp mình).

  1. Không khẳng định bất kỳ điều gì nếu không chứng minh, thuyết phục được. Nếu thông tin quá quan trọng, không kiểm chứng được, không chứng minh được, bạn có hai lựa chọn: Hoặc bỏ đi, hoặc nếu vẫn dùng thì phải nêu rõ, chi tiết nguồn của thông tin đó, tức là người chịu trách nhiệm cung cấp nó.
  2. Tránh đưa ý kiến chủ quan nếu không chứng minh, thuyết phục được. Tốt nhất là hãy nêu sự thật, và để sự thật đó nói lên tất cả. Sự thật sẽ hướng dẫn người đọc, người xem, người nghe để họ tự biết phải làm gì.
  3. Không hô hào, không hô khẩu hiệu (“đả đảo tay sai bán nước”), vì… không cần thiết. Việc đưa tin chỉ nên là việc đưa tin, không kết hợp thêm việc khác.
  4. Không hằn học, oán thán, trách móc độc giả, khán giả (kiểu như: “Tôi thấy cộng đồng bất công, bạc bẽo quá, tại sao giúp người nọ người kia mà không giúp gia đình tôi”…). Cần nghĩ là họ đọc bài hay xem clip của bạn đã là quý rồi, bạn cần họ hơn là họ cần bạn.
  5. Không cầu nguyện, chỉ trừ phi bạn xác định là viết cho một cộng đồng tôn giáo đọc.

Không viết tắt, trừ phi từ viết tắt quá phổ biến và trong văn cảnh đó thì ai cũng hiểu (ví dụ: LHQ). Không dùng tiếng lóng. Đặc biệt, không dùng ngôn ngữ tục tĩu, bậy bạ, chửi thề, chỉ sử dụng khi bắt buộc, chẳng hạn vì sự thật đúng là như thế.

Ví dụ:

Trả lời phỏng vấn của BBC ngày 24/9/2012, bà Dương Thị Tân, vợ cũ của blogger Điếu Cày, cho biết: Trung tá Vũ Văn Hiển, phó công an phường 6, quận 3 (TP.HCM), đã dọa bẻ cổ bà và nói “tự do cái con cặc!”, khi thấy bà và con trai mặc áo có chữ “tự do cho những người yêu nước” trên ngực.

Trong ví dụ trên, không nhất thiết phải viết tắt từ bậy kia thành “c.c.” hay “con c.”.

  1. Bài nên có trích dẫn để thêm phần sống động. Không nên chỉ viết bài khơi khơi, rất dài, mà không trích dẫn ý kiến nào. Nhớ trích dẫn chính xác.

Ví dụ về trích dẫn:

Gia đình cho biết trông bề ngoài anh Thức vẫn ổn dù rằng anh nói vẫn còn ăn mì gói và tiếp tục từ chối cơm và thức ăn do trại giam cung cấp. Nay trại giam đã cấp lại nước sôi để anh ăn mì gói. Anh Thức kể rằng cán bộ quản giáo mang cơm đến buồng giam nói rằng: “Anh ăn cơm đi, tôi ăn trước cho anh tin”. Vừa nói cán bộ này vừa lấy cơm ăn trước mặt anh Thức.

Tuy vậy anh Thức vẫn từ chối ăn cơm của trại với lý do không một cơ sở pháp lý nào đủ để bảo đảm sự an toàn cho anh trong hoàn cảnh bị giam cầm hiện tại. Anh Thức nhấn mạnh với gia đình: “Tự do hay không chẳng còn quan trọng, mà điều quan trọng là quyền con người. Cuộc đấu tranh này là để thượng tôn quyền con người”.

  1. Tuy nhiên, không lạm dụng trích dẫn. Câu nói nào không có gì đặc sắc thì bạn nên dẫn gián tiếp. Chỉ trích dẫn khi nào câu nói có phong cách riêng của người nói, đặc sắc, cần đưa câu nói chính xác.

Trong ví dụ ở trên, câu của cả viên cán bộ lẫn của anh Thức đều làm toát lên phong cách, hoàn cảnh của người nói, nên trích dẫn là tốt.

  1. Không nên viết dài, càng không nên viết lan man, mỗi bài chỉ tập trung vào một sự việc, một vấn đề, hay một khía cạnh của vấn đề. Cố gắng làm sao để lượng từ ngữ ít nhất, lượng thông tin lớn nhất.

You May Also Like