Tin Tức: Thứ Tư, ngày 11/09/2019

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân và Miên Dương trình bày sau đây:

      TinTuc11092019bis

VIỆT NAM VẪN LÀ NƯỚC SIẾT CHẶT QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ.

Trong phúc trình thường niên mới nhất, Tổ chức Bảo vệ Ký giả xếp Việt Nam vào một trong 10 nước kiểm duyệt báo chí khắt khe nhất thế giới, với hàng trăm ký giả đã bị bỏ tù hay thường xuyên bị sách nhiễu vì các bài viết của họ.

Các quốc gia nằm đầu danh sách, ngoài Việt Nam là Trung Cộng, Bắc Hàn, Cuba, Iran, Eritrea, Saudi Arabia, Guinea, Belarus và Turmenistan.

Trong phúc trình, tổ chức Bảo vệ Ký giả cũng nêu lên vụ bắt giam nhà báo Trương Duy Nhất, người bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan vào cuối tháng Giêng năm nay và mang về giam giữ tại Hà Nội suốt 8 tháng qua nhưng chưa đưa ra xét xử.

Phúc trình khẳng định lệnh kiểm duyệt báo chí tại Việt Nam là đến từ các cấp trung ương, bất cứ vấn đề nào bị xem là “nhạy cảm” đều bị ép phải loại bỏ. Tất cả các cơ quan ngôn luận đều thuộc về nhà nước, không có một cơ quan truyền thông nào là thuộc tư nhân. Ngay cả giới phóng viên ngoại quốc cũng bị giám sát chặt chẽ khi hành nghề tại Việt Nam.

2)  MỘT TRĂM MƯỜI HAI NGƯỜI NHIỄM THỦY NGÂN TRONG THẢM HỌA RẠNG ĐÔNG.

Tính đến hôm qua, thứ Ba ngày 10/9, đã có 112 người được xác định là có nồng độ thủy ngân trong máu quá cao vì nhiễm phải độc chất này sau vụ hỏa hoạn tại nhà máy bóng đèn Rạng Đông vào hai tuần trước.

Tuy nhiên, giới chức trách và báo chí lề đảng không cho biết chính xác nồng độ thủy ngân là bao nhiêu và bệnh viện Bạch Mai lại loan báo là có 82 người có nồng độ thấp dưới mức cho phép.

Đây là kết quả khám sức khỏe miễn phí cho 1200 cư dân sinh sống quanh nhà máy Rạng Đông. Việc nhiễm thủy ngân quá cao có thể dẫn đến một số nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai, có thể sinh con dị tật.

Trong khi giới hữu trách, đặc biệt là bộ tài nguyên môi trường, vẫn còn lấp liếm về tác hại môi trường, một số luật sư bắt đầu nhận đơn kiện của cư dân Hà Nội để đòi công ty Rạng Đông phải bồi thường về thảm họa này.

3)  CHIẾN BINH ÚC GIÚP VIỆT NAM TÌM KIẾM THI HÀI CÁC BỘ ĐỘI BẮC VIỆT CHẾT TRẬN.

Vào hôm thứ Ba ngày 10/9, một nhóm cựu chiến binh Úc tham chiến tại Việt Nam đã cung cấp một số tin tức cho Hà Nội để tìm kiếm thi hài của 3800 bộ đội Bắc Việt tử trận trong cuộc chiến Quốc – Cộng trước đây.

Các tài liệu nói trên được trao cho phía Việt Nam trong buổi gặp gỡ các cựu chiến binh Úc tại thủ đô Canberra vào hôm qua. Các tài liệu này gồm có bản đồ ghi chú nơi chôn cất thi hài của 3800 bộ đội Bắc Việt thiệt mạng trong các trận giao chiến với quân Úc và Tân Tây Lan ở miền Nam.

Gần 45 năm sau chiến tranh hai miền, vẫn còn 200 ngàn bộ đội Bắc Việt bị ghi nhận là mất tích trên các chiến trường miền nam Việt Nam, Lào và Campuchia. Vào mấy năm trước, Hà Nội cũng đã giúp nước Úc tìm kiếm thi hài của 6 binh sĩ Úc mất tích.

4)  MƯA LỚN KHIẾN HÀ NỘI KẸT XE TRÊN MỌI ĐƯỜNG PHỐ.

Cơn mưa lớn vào rạng sáng hôm qua, thứ Tư 10/9, khiến bầu trời Hà Nội tối đen và kẹt xe trầm trọng ở mọi tuyến đường, với nhiều công chức phải mất mấy tiếng đồng hồ mới đến được công sở.

Mặc dù đã 9 giờ sáng nhưng bầu trời vẫn tối đen, xe cộ phải mở đèn mới có thể di chuyển trên đường. Tuy nhiên nhiều tai nạn đã xảy ra khiến hầu hết các tuyến đường đều kẹt xe, ngay cả người đi bộ cũng khó bước đi trên đường. Cho đến trưa, bầu trời mới sáng trở lại và đường phố có chút thoáng đãng hơn. 

5)  TRUNG CỘNG TỨC TỐI VÌ MẪU HẠM HOÀNG GIA ANH TIẾN ĐẾN BIỂN ĐÔNG.

Trong một lời lẽ đầy hậm hực, đại sứ Trung Cộng tại Anh vào hôm qua cảnh cáo nước Anh là chớ nên thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng tại Biển Đông.

Lời cảnh cáo được Đại sứ Lưu Hiểu Minh đưa ra ngay sau khi giới truyền thông Anh loan tin là hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth sẽ mang theo một số chiến đấu cơ Mỹ tiến đến vùng biển Trường Sa. Đây cũng là lần đầu tiên mà mẫu hạm Anh, với trọng tải hơn 65 ngàn tấn, sẽ có mặt trong vùng biển Trường Sa.

Trong phát biểu quá khích của mình, ông Lưu Hiểu Minh mắng nước Anh là chớ nên tiếp tay với Mỹ để “làm chuyện bẩn thỉu”.

Vào tuần trước, ông Tô Quang Huy, tùy viên quân sự tại Anh, tuyên bố là nếu như hai nước Mỹ – Anh hợp tác để thách thức chủ quyền Trung Cộng ở Biển Đông thì sẽ được xem là hành động “thù nghịch”. Tuy nhiên Bộ Quốc Phòng Anh khẳng định quan điểm phải duy trì quyền lợi của nước Anh trong khu vực và có nghĩa vụ duy trì sự ổn định trong khu vực. 

6)  DONALD TRUMP CÁCH CHỨC CỐ VẤN AN NINH QUỐC GIA.

Vào hôm qua, Tổng thống Donald Trump loan báo là ông đã yêu cầu ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia, phải từ chức và sẽ thông báo người thay thế vào tuần tới.

Lý do của vụ cách chức này, theo giải thích của ông Trump, là vì ông và nhiều người khác không đồng ý với các lập trường của ông Bolton nhưng không nói rõ các lập trường ấy là gì. Tuy nhiên việc ra đi của ông Bolton diễn ra trong lúc ông Trump nỗ lực tái lập quan hệ bình thường với Bắc Hàn và Iran, tức hai quốc gia mà ông Bolton cho là không đáng tin.

Trong thời gian qua, ông Trump nhiều lần than phiền là ông Bolton luôn muốn đẩy Hoa Kỳ vào một cuộc chiến mới. Sự rạn nứt giữa hai ông càng thêm trầm trọng sau khi ông Trump hủy bỏ kế hoạch không kích Iran và mở cuộc gặp gỡ ông Kim Jong-un tại Bàn Môn Điếm.

7/ LÃNH ĐẠO HỒNG KÔNG CẢNH CÁO NƯỚC NGOÀI CAN THIỆP VÀO HỒNG KÔNG.

Ngày 10/9, Bà Carrie Lam, Đặc khu trưởng Hống Kông, người được Bắc Kinh hậu thuẫn, phát biểu trước truyền thông là sự can thiệp của các chính phủ nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của Hống Kông là điều rất đáng tiếc và cho rằng leo thang bạo lực không thể giải quyết các vấn đề xã hội ở trung tâm tài chính của châu Á này.

Bà Lam nhấn mạnh việc các quốc hội nước ngoài can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Đặc khu hành chính Hong Kong dưới bất kỳ hình thức nào là điều hoàn toàn không phù hợp và Hống Kông không cho phép Hoa Kỳ trở thành một bên có liên quan trong các vấn đề của Đặc khu này.

Đống thời, phía Trung cộng luôn phủ nhận việc can thiệp vào thành phố này và các quan chức Trung cộng tố cáo các lực lượng bên ngoài là tìm cách phương hại tới Bắc Kinh bằng cách tạo ra hỗn loạn ở Hồng Kông. Đồng thời cảnh cáo các quốc gia bên ngoài đừng can thiệp vào nội bộ của Trung cộng. Thí dụ mới nhất là Trung cộng đã tỏ ra tức giận sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas gặp nhà hoạt động nổi tiếng Hong Kong Hoàng Chí Phong hôm 9/9 vừa qua tại trụ sở Quốc Hội Đức ở Berlin.

You May Also Like