Những đảng viên Cộng Sản không được học khái niệm về “ecosystem”. Chủ nghĩa Mác xít nhìn thế giới như một bộ máy, như cái đồng hồ, vì thời Karl Marx còn sống ông chỉ có thể thấy “mô hình” đó. Lối nhìn máy móc này khiến các lãnh tụ cộng sản nghĩ kinh tế thị trường theo một cách máy móc, hư đâu sửa đó. Vì vậy, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu so với lân bang. Vì có một mỏ vàng không được khai thác, là giới kinh doanh trẻ tuổi.
Tạm dịch “ecosystem” là một “hệ sinh thái”. Một hệ sinh thái bao gồm các sinh vật, sống với nhau và những thứ vô tri giác. Tất cả tác động lẫn nhau, tạo nên một hệ thống sinh thái. Thung lũng điện tử ở vùng Vịnh California là một hệ sinh thái kinh tế. Những người sống trong đó thành công nhờ hợp tác và cạnh tranh với những người khác, có những quy luật kinh doanh, những nguồn vốn, gần gũi các nhà cung cấp và thị trường tiêu thụ, và cả một hệ thống pháp luật của nước Mỹ bảo vệ các quyền tự do và quyền tư hữu.
Sonny Vũ thành công ở Thung lũng Điện tử…, vì đã từng làm việc với các người lãnh đạo công ty Apple, như John Sculley, người sau này cùng Vũ và Sridhar Iyengar lập ra công ty Misfit. Misfit thành công vì hoạt động ở nước Mỹ chứ không ở bên Tàu hay Việt Nam. Khi về làm việc trong nước, Sonny Vũ gặp những hạn chế, không thể phát triển lớn hơn mấy trăm nhân viên.
Những nhà kinh doanh trẻ Việt Nam còn ở vị thế bất lợi hơn một người Mỹ gốc Việt như Vũ. Họ không những thiếu cơ hội phát triển tài năng mà còn bị gò bó trong một chế độ chưa hiểu biết gì về sinh thái của kinh tế hiện đại.
Nhưng dù được khích lệ bao nhiêu, khi đụng chạm tới thực tế, các nhà kinh doanh trẻ sẽ thấy Sài Gòn hay Hà Nội chưa có một hệ sinh thái để phát triển tài năng.
Chính nhà nước Cộng Sản cũng công nhận đến 90% các dự án kinh doanh đã thất bại. Tỷ lệ đó có thể coi là bình thường, vì tất cả các dự án, các xí nghiệp mới đều rất nhiều rủi ro. Những công ty thành công như Microsoft, Google, Facebook vượt lên sống được trong những “nghĩa địa” với hàng chục, hàng trăm ngàn “xác chết” của những doanh nghiệp cùng theo đuổi một kỳ vọng và mục tiêu!
Nhưng nếu các doanh nghiệp mới bị thất bại là chuyện bình thường, thì có một thứ bất bình thường là cái chết của mấy chục ngàn doanh nghiệp trong nước Việt Nam không phải do thiếu tài năng, thiếu sáng kiến! Lý do chính là họ bị cơ chế chính trị, kinh tế, xã hội bóp đến nghẹt thở. Hơn thế nữa, còn bao nhiêu những dự án kinh doanh không bao giờ được mở mắt chào đời, vì không có một hệ sinh thái thích hợp làm mụ đỡ.
Chướng ngại khó vượt qua hơn nữa là mặt tinh thần: Lòng tin của những người tiêu thụ quá thấp. Người Việt Nam chưa có thói quen đặt tin tưởng vào những lời hứa của “người dưng nước lã!” Cũng vì cả xã hội đã mất niềm tin giữa con người với con người, hậu quả của một chế độ chuyên ăn gian nói dối! Vì vậy, hoạt động mua bán trên mạng, e-commerce, mới xâm nhập được dưới 1% thị trường bán lẻ ở Việt Nam, trong khi đã tiến tới 8% ở Trung Quốc khi được các đại công ty như Alibaba dẫn đầu.
Chưa hết, tất cả các doanh nghiệp dùng tin học đều bị đè nặng dưới điều 292 trong Bộ Luật Hình Sự. Ở các nước tự do dân chủ người ta có thể bắt đầu việc kinh doanh trước khi làm giấy tờ hợp thức hóa ở cơ quan hành chánh. Nhờ thế, nhiều doanh nghiệp ra đời, bán thử trong thị trường, kêu gọi vốn một cách dễ dàng.
Điều 292 cấm người Việt Nam không được cung cấp các dịch vụ trên mạng (online) nếu chưa có giấy phép! Ai làm sẽ bị coi là phạm tội hình! Sau khi bao nhiêu người phản đối, năm 2016 điều này mới được sửa đổi! Nhưng còn biết bao nhiêu thứ cấm đoán, ràng buộc, luật lệ kìm hãm sức phát triển kinh doanh của người dân, hệ sinh thái kinh doanh bị bóp nghẹt.
Nhưng các nhà kinh doanh trẻ trong nước còn gặp những chướng ngại cao như núi khác do chế độ dựng nên.
Nạn tham nhũng là chướng ngại lớn không khác gì bị kỳ thị trong hệ thống ngân hàng. Tư doanh bị gò ép gạt ra ngoài hệ thống cung cấp hàng hóa hay dịch vụ cho các cơ quan nhà nước. Chi phí “bôi trơn” của các xí nghiệp khiến cho tất cả đều kém hiệu năng (efficiency). Nếu họ có cạnh tranh được với các công ty trong nước, họ có thể chịu thua khi phải đối đầu với những công ty nước ngoài, nơi các quan tham nhũng không “tàn bạo” như các cán bộ đảng, vì chính những cán bộ này cũng phải dâng tiền lên cấp trên.
Tình trạng trên cho thấy chế độ Cộng Sản đang kìm hãm sức phát triển của giới kinh doanh trẻ trong nước. Mà đó chính là một kho vàng!
Việt Nam đang tranh đấu với Trung cộng dành quyền làm chủ những mỏ dầu nằm dưới đáy Biễn Đông. Nhưng trong lúc đó, những mỏ vàng quý báu trong nước ta đang bị bỏ quên uổng phí! Muốn phát triển kinh tế, tạo ra một ecosystem mới, phải xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị./.
Ngô Nhân Dụng