Ngược Đời

      CNNM12072017

Một đất nước càng nhiều triệu phú, tỷ phú, càng nhiều công chức tận tụy, càng nhiều tiến sĩ hay cử nhân thì đáng ra đất nước đó càng đáng tự hào, người dân càng có nhiều công ăn việc làm, đời sống càng sung túc, dễ chịu, văn hóa càng cải thiện, xã hội càng tiến bộ đi lên.
Ấy vậy mà, ở cái xứ Lừa này mọi thứ lại đang diễn ra ngược lại. Càng nhiều tỷ phú, thì đất nước càng tiều tụy, càng nhiều tiến sĩ cử nhân thì càng nhiều người thất nghiệp, văn hóa càng lai căng, càng nhiều công chức thì xã hội càng gian manh tàn ác, càng nhiều đề tài nghiên cứu thì khoa học càng thụt lùi.
Xứ Lừa hiện đã có vài tỷ phú đô la và hàng ngàn triệu phú cả lộ diện lẫn dấu mặt. Tốc độ giầu lên của họ đôi lúc chỉ tính bằng 10 năm đổ lại với khối tài sản khổng lồ tới cả tỷ đô, một tốc độ thần kỳ đến nỗi những tỷ phú của thế giới cũng khó mà sánh kịp. Tốc độ đó biến những cuốn sách “làm giầu không khó” của mấy anh tư bản mà các bạn sinh viên mộng mơ vẫn đang coi là sách gối đầu giường trở thành “cực khó” và nhảm nhí vô cùng, vì nó quá mất thời gian.
Trong phần tiểu sử, các anh đều ghi vào một thời cơ hàn, cực khổ. Có anh đi bán mỳ gói, có anh bán xoài, có anh bán thuốc thú y, trồng rau quả và chạy xe cũng như hành nghề gia sư, mới đây còn có cả các nghề như làm chổi, nuôi heo, đóng giày…và rồi bỗng một ngày, các anh ngộ ra cùng một công thức làm giầu: bán đất, bán rừng, hay nói cách khác là bán tài nguyên.
Hóa ra, làm giầu không khó là vậy, đâu cần phải như: Bill Gate, Mark Zuckerberg, Steve Jobs, Jeff Bezos, Larry Ellison, Warren Buffett…mất quá nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, xây dựng. Các anh cứ chặt rừng, cứ san nền rồi vay tiền mà xây lên bán cho nhanh. Đâu cần phải đóng góp gì cho phát triển của nhân loại hay đồng hương.
Một đất nước với 24,000 tiến sĩ, hàng triệu cử nhân các nghành nghề, hàng vạn đề tài nghiên cứu nhưng đến cái máy gặt lúa cũng không làm nổi, phải để một anh nông dân chưa học hết lớp 7 tự mày mò sáng chế. Chưa nói đến những nông dân đã tự chế tạo, lắp ráp được cả máy bay, tầu ngầm, xe tăng…mà người ta phải tìm cách “cấm” để khỏi bị mất mặt. Một đất nước ngoài lạm phát về tiền, còn lạm phát cả cử nhân đến nỗi phải tìm cách “xuất khẩu” bớt. Vi diệu chưa ạ?
Một đất nước với 11 triệu công chức ăn lương, tương đương cứ 40 người phải gánh một anh công chức và gấp hơn 5 lần số công chức của Hoa Kỳ (2.1 triệu) nơi có hơn 320 triệu dân, đáng ra mọi thứ thủ tục phải xử lý nhanh lắm, người dân phải được ăn thực phẩm sạch, xã hội phải an toàn…ấy vậy mà một tờ giấy phải qua tới mấy cái cửa, kiếm thực phẩm sạch còn khó hơn lên giời, người đầu độc người, xã hội ngày càng nhiều vụ chém giết man rợ, giang hồ ngày càng lộng hành, oan sai ngày càng tiếp diễn…Lẽ ra là vì làm sao ? Một đất nước toàn những chuyện ngược đời.
Nhìn lên kệ sách của cửa hiệu, tôi thấy vô vàn những cuốn sách dạy làm giầu nhưng chẳng thấy cuốn nào ghi là dạy làm người cả. Tôi nghĩ chúng ta cần dạy con cháu mình biết cách làm người trước đã, vì chỉ khi biết làm người rồi thì cái sự giàu ắt nó sẽ tự tìm đến. Còn nếu chỉ có biết làm giàu nhưng chưa biết làm người thì quả thật là bất hạnh lắm.

Bùi Minh Hiếu

You May Also Like

Leave a Reply