Kính thưa quý thính giả, lịch sử Việt ghi nhận một vị Thiền sư được xem là ông Tổ của Phật Giáo miền Nam VN, người đã kế thừa 2 dòng phái Lâm Tế Gia Phổ và Lâm Tế Chánh Tông. Ngài đi đầu trong việc chấn chỉnh nghi lễ Phật Giáo, nên hiện nay hầu hết các ngôi chùa xưa đều thờ phượng Ngài để tưởng nhớ một vị Thiền sư đạo cao, đức rộng. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Tiên Giác – Hải Tịnh Thiền Sư” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tiên Giác – Hải Tịnh Thiền Sư
Việt Thái
Thiền sư Hải Tịnh thế danh Nguyễn Tâm Đoan, sinh ngày 30/5/1788 tại huyện Kiến An, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Thân phụ họ Nguyễn tên Cẩm, làm quan triều Nguyễn, được sắc phong tước Hầu nên được gọi là Nguyễn Hầu Cẩm, thân mẫu tên Nguyễn Thị Hiền, cả hai người đều là cư sĩ chùa Từ Ân ở Gia Định.
-Năm 1806, Nguyễn Tâm Đoan xuất gia tại chùa Từ Ân, được Thiền sư Viên Quang đặt pháp danh là Hải Tịnh, húy Tiên Giác, thuộc đời thứ 37 Lâm Tế Gia Phổ.
-Năm 1820, Hải Tịnh cùng với đệ tử là Liễu Nguyên đến Đức Hòa (Long An) kiến lập chùa Linh Nguyên.
-Năm 1821, Thiền sư Linh Nhạc viên tịch, Thiền sư Viên Quang cử Chánh Trực và Hải Tịnh về chùa Từ Ân trông nom Phật sự.
-Năm 1822, vua Minh Mạng truyền chiếu gọi Hải Tịnh vào kinh đô, sắc phong Hòa Thượng trụ trì chùa Thiên Mụ. Do trong chùa xảy ra án mạng nên triều đình ngưng chức Hải Tịnh để điều tra.
-Năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi xét lại vụ án, phán Thiền sư Hải Tịnh vô tội và giao trụ trì chùa Long Quang.
-Năm 1842, Thiền sư Hải Tịnh được cử đến trụ trì chùa Giác Hoàng trong kinh thành.
-Năm 1844, Ngài trở vào Nam trụ trì chùa Từ Ân thay thế Thiền sư Tiên Tín bệnh nặng. Ngài khai mở trường Hương tại chùa Giác Lâm, thỉnh Thiền sư Phổ Nguyệt ở chùa Huê Lâm làm Thiền chủ và Thiền sư Từ Tạng từ chùa Trúc Lâm làm Thượng tọa.
-Năm 1849, Ngài khai mở trường tại chùa Giác Lâm và được suy tôn làm Hòa thượng Đường đầu Truyền giới.
-Năm 1850, Ngài đến Tây Ninh tu sửa chùa Linh Sơn, chùa Thái Bình, chùa An Cư, rồi đến An Giang, Hà Tiên hoằng pháp, đổi Quan Âm Các thành chùa Giác Viên.
-Năm 1851, trở lại An Giang hoằng pháp và tu tạo chùa Phú Thạnh, chùa Vĩnh Thông và đến Hà Tiên lập chùa Giang Thành.
-Năm 1854, kiến lập chùa Hòa Thạnh và chùa Phú Thạnh.
-Năm 1863, mở trường tại chùa Sùng Phước, thỉnh Thiền sư Chơn Giác làm Chủ kỳ.
-Năm 1870, khai mở 3 đàn Giới thể Cụ túc tại chùa Sùng Phước. Ngài làm Đường đầu truyền giới, Thiền sư Chơn Giác chùa Sùng Phước làm Yết-ma, Thiền sư Minh Đề chùa Tứ Phước làm Giáo Thọ sư và giao nhiệm vụ trụ trì chùa Giác Viên cho đệ tử Minh Khiêm – Hoằng Ân.
-Năm 1871, mở giới đàn tại chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc).
-Năm 1872, mở giới đàn tại chùa Huỳnh Long (Định Tường). Đây là giới đàn đầu tiên ở vùng Cai Lậy được rất nhiều chư tăng khắp Nam Kỳ lục tỉnh về thọ giới.
Năm 1873, mở giới đàn tại chùa Phước Lâm (Tiền Giang).
Năm 1875, mở đàn truyền giới tại chùa Linh Sơn (Tây Ninh).
Vào những năm cuối đời, Ngài biên tập bộ sách chữ Hán Ngũ Gia Tông Phái Ký toàn tập gồm 3 quyển thượng, trung và hạ. Đây là tác phẩm rất quan trọng, ghi lại hoạt động của Phật giáo miền Nam vào đầu thế kỷ XIX.
Ngày 8/11/1875, Tiên Giác – Hải Tịnh Thiền sư viên tịch, thọ 88 tuổi, nhục thân nhập tháp trong khuôn viên chùa Giác Lâm. Trên bia tháp ghi: Lâm Tế Gia Phổ Hiển Tịnh Công Tiên Giác chi tháp.
*****
Đời nhà Lý có Thiền sư Vạn Hạnh nổi tiếng, được xem là một Quốc Sư mẫn tuệ, một chiến lược gia tài ba, một nhà ngoại giao tuyệt vời. Có thể nói, đạo Phật phát triển rực rỡ, thấm sâu trong tâm hồn dân tộc hơn một ngàn năm qua là nhờ có Thiền sư Vạn Hạnh. Thiền sư Vạn Hạnh là một khai quốc công thần của triều Lý, với tâm nguyện là dùng hết công sức để xây dựng một triều đại thanh bình thịnh trị, để củng cố nền độc lập lâu dài cho Đại Việt.
Đến nhà Trần là một trong những triều đại uy dũng với những chiến công hiển hách, 3 lần đại thắng quân Nguyên – Mông. Đây cũng là một triều đại không chỉ chuộng sức mạnh, mà còn chăm lo cho đời sống tâm linh và văn hóa. Thời này cũng đã xuất hiện nhiều thiền sư trác tuyệt thấm nhuần chánh pháp, điển hình như Tuệ Trung Thượng Sĩ, nên thời nhà Trần cũng là một trong những thời vàng son của đất nước trong việc phát triển tư tưởng dân tộc.
Đến đời nhà Nguyễn có Thiền sư Hải Tịnh đi đầu trong công cuộc phát triển và chấn hưng Phật Giáo. Khi nhắc đến Thiền sư Hải Tịnh, Hòa thượng Thích Lệ Trang nhận định rằng: Ưu đức của Ngài thì cả lục tỉnh hưởng ứng, hết 90% đều là môn hạ của Ngài, cho nên tất cả các chùa xưa đều khắc Linh Vị tôn thờ, để tưởng nhớ đến vị Thiền sư đức cao, đạo trọng.
Với những đóng góp về văn hóa và phát triển đạo Phật, cuộc đời của Thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh là một điểm son trong trang sử Việt, xứng đáng được vinh danh để hậu thế noi gương.