Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.
Tin Tức: Thứ Sáu 02.06.2023
1/ THÊM MỘT CHUYÊN GIA MÔI TRƯỜNG BỊ BẮT VỚI TỘI “TRÔN THUẾ”
Công an vừa bắt giam bà Hoàng Thị Minh Hồng, một chuyên gia về môi trường, với cáo buộc “trốn thuế”, một tội danh mà bạo quyền Hà Nội thường sử dụng để bắt giam những người hoạt động về môi trường.
Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thắng, xác định tin trên với báo giới vào chiều ngày 1/6, sau một ngày bà Hồng cùng chồng và hai nhân viên bị bắt.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng được nhiều người biết đến với các hoạt động trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Bà cũng nổi tiếng vì là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực vào năm 1997. Vào năm 2019 bà được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.
Bà Hoàng thị Minh Hồng là nhà hoạt động thứ 5 bị bắt với cáo buộc “trốn thuế” trong hai năm qua. Bốn người trước đây bị bắt giam là Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương.
Vào trung tuần tháng 5 vừa qua, bà Ngụy Thị Khanh, người lãnh giải thưởng môi trường Goldman, được trả tự do trước thời hạn năm tháng.
Biện pháp bắt giữ những nhà hoạt động môi trường của Việt Nam bị nhiều tổ chức quốc tế và một số quốc gia cho chỉ trích và yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt với cáo buộc “trốn thuế”.
2/ VIETTEL TẠI MỸ DÍNH LÍU ĐẾN CÁC VỤ BUÔN LẬU VŨ KHÍ
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 31/5 đã công bố việc phạt vạ hành chính đối với công ty VTA Telecom, một chi nhánh của tập đoàn Viettel tại Hoa Kỳ, về 6 vi phạm đối với đạo luật về buôn bán vũ khí quốc tế.
Theo thỏa thuận kết thúc giải quyết vụ việc, VTA Telecom của Viettel bị cấm tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào các hoạt động theo quy định trong vòng ba năm.
Văn phòng kiểm tra quy định buôn bán vũ khí cũng cho rằng việc kết thúc giải quyết cho thấy vai trò của bộ ngoại giao Hoa Kỳ trong công tác tăng tiến hòa bình và an ninh toàn cầu, cũng như chính sách của Mỹ qua biện pháp kiểm soát xuất cảng các vật dụng quốc phòng.
Tập đoàn quân đội Viettel trực thuộc bộ quốc Phòng Việt Nam. Vào năm 2017, một đại diện của chi nhánh Viettel tại Hoa Kỳ bị án tù tại Hoa Kỳ về tội buôn lậu vũ khí qua hành vi xuất cảng công nghệ quân sự của Mỹ về Việt Nam.
3/ TRUNG CỘNG YÊU CẦU MỸ CHẤM DỨT DỌ THÁM Ở BIỂN ĐÔNG
Vào hôm 31/5, bạo quyền Trung Cộng lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ phải chấm dứt các chuyến bay dọ thám ở Biển Đông mà Trung Cộng cho là các hành động đầy khiêu khích, đồng thời khẳng định là Trung Cộng tiếp tục thực hiện các biện pháp để bảo vệ chủ quyền.
Tuyên bố nói trên được đưa ra sau khi có vụ chiến đấu cơ Trung Cộng bám sát quá nguy hiểm đối với một máy bay do thám của Mỹ vào hôm thứ Sáu tuần trước ở Biển Đông.
Hoa Kỳ hôm 30/5 ra thông cáo cho biết một chiến đấu cơ J-16 của Trung Cộng đã bay trực diện đến trước mũi chiếc máy bay RC-135 của Mỹ đang thực hiện hoạt động thường kỳ trên vùng trời quốc tế vào hôm 26/5.
Bộ tư lệnh Ấn Độ và Thái Bình Dương của Mỹ gọi hành động này của máy bay Trung Cộng là “nguy hiểm không cần thiết”, đồng thời cho biết thêm là quân đội Trung Cộng đã trở nên hung hăng hơn trong 5 năm trở lại đây với việc chặn máy bay và chiến hạm của Mỹ trong khu vực.
Căng thẳng giữa hai nước thêm gia tăng khi Trung Cộng mới đây cho biết bộ trưởng quốc phòng Trung Cộng sẽ không gặp Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại cuộc Đối thoại An ninh Shangri-La, diễn ra vào cuối tuần này.
4/ HOA KỲ VÀ ĐÀI LOAN KÝ THỎA THUẬN THƯƠNG MẠI ĐẦU TIÊN
Theo chính quyền Đài Loan, một thỏa thuận thương mại “lịch sử” giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, đã được ký kết vào lúc 10 giờ sáng hôm qua 1/6 tại Washington. Đây là một sự kiện có thể sẽ làm xấu đi thêm quan hệ vốn đã rất căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington về hòn đảo tự trị mà Trung Cộng muốn sáp nhập.
Văn phòng đàm phán thương mại Đài Loan nói rõ là thỏa thuận ký kết vào hôm qua nằm trong khuôn khổ “sáng kiến Hoa Kỳ và Đài Loan về thương mại thế kỷ 21”, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Tuyên bố tại cuộc họp báo tại Đài Bắc, phát ngôn nhân chính phủ Đài Loan cho biết là thỏa thuận sẽ được ký kết không chỉ mang tính lịch sử mà còn đánh dấu một bước khởi đầu mới.
Thỏa thuận sẽ giúp gia tăng trao đổi thương mại giữa Washington và Đài Bắc, thông qua việc đồng bộ các biện pháp kiểm soát hải quan, thủ tục pháp lý và thiết lập các biện pháp chống tham nhũng. Đối với Đài Loan, đây là thỏa thuận thương mại “toàn diện nhất” được ký kết với Hoa Kỳ kể từ năm 1979.
Washington và Đài Bắc đã khởi động các cuộc đàm phán thương mại song phương vào tháng 6 năm ngoái, bất chấp phản đối của Trung Cộng, vốn xem Đài Loan là một tỉnh của Trung Cộng và cấm Đài Loan có quan hệ chính thức với nước ngoài.
Sau khi thỏa thuận đầu tiên được ký kết, các cuộc đàm phán khác sẽ tiếp tục về các lãnh vực thương mại phức tạp hơn, từ nông nghiệp, thương mại điện tử, cho đến các chuẩn mực lao động và môi trường.
Việc tăng cường quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Đài Loan dĩ nhiên đã khiến Trung Cộng bày tỏ sự giận dữ. Vào hôm 29/5 vừa qua, Bắc Kinh đã kêu gọi Washington đình chỉ việc “dùng vỏ bọc thương mại” để thiết lập quan hệ chính thức với Đài Bắc.
Tuy nhiên, dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, Hoa Kỳ luôn luôn là đối tác hàng đầu và là nguồn cung cấp vũ khí quan trọng nhất cho đảo quốc này. Hậu thuẫn của Mỹ dành cho Đài Loan thường xuyên là nguyên nhân gây ra căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ – Hoa.
5/ TẬP ĐOÀN QUÂN PHIỆT MIẾN ĐIỆN GIA TĂNG CÁC CUỘC OANH KÍCH
Hàng chục trẻ em tại một trường tiểu học ở Miến Điện đã hốt hoảng tìm chỗ ẩn nấp khi máy bay của tập đoàn quân phiệt Miến Điện nhào lượn trên đầu.
Trước đó, 7 em học sinh đã bị thiệt mạng trong một vụ không kích của tập đoàn quân phiệt. Vì vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của lực lượng dân quân, tập đoàn này đang gia tăng các hoạt động không kích.
Bị áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế sau cuộc đảo chính, tập đoàn quân phiệt Miến ngày càng bị cô lập. Thế nhưng Nga đã trở thành quốc gia nước ngoài hậu thuẫn mạnh mẽ nhất của tướng Min Aung Hlaing, người cầm đầu tập đoàn nói trên.
Báo cáo mới mà Liên Hiệp Quốc công bố hôm 17/5 cho biết Nga và Trung Quốc đã bán vũ khí sát thương, được xử dụng trong những chiến dịch chết chóc của tập đoàn quân phiệt Miến Điện nhằm nghiền nát các lực lượng đối lập.
Theo báo cáo, Miến Điện đã nhập cảng ít nhất một tỷ Mỹ kim vũ khí và thiết bị quân sự, kể từ sau cuộc đảo chánh vào tháng 2 năm ngoái.