Nói Với Người CS: Hội Nghị Trung Ương 7: Phiếu Tín Nhiệm

Tiếp theo  đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Khánh Ngọc

      DLSN21052023 NVNCS

Hội Nghị Trung Ương 7: Phiếu Tín Nhiệm

Tiến Văn

Thưa quí vị đảng viên lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Hội Nghị Trung Ương 7 giữa kì 13 của đảng Hồ-Tàu vừa diễn ra trong 3 ngày, từ 15 tới 17 tháng 5 vừa qua, Nguyễn Phú Trọng có đề cập đến việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên bộ chính trị và ban bí thư. Theo như lời Nguyễn Phú Trọng, đây là một “nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ” nhằm mục đích “tự soi, tự sửa… tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm… góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Thưa quí vị và anh chị em, chúng ta không lạ gì về những phát biểu có tánh cách rất đạo đức, lương thiện luôn luôn được phát ra từ miệng những kẻ chóp bu của đảng Hồ-Tàu trong suốt hơn nửa thế kỉ qua. Song, việc lấy phiếu tín nhiệm – nói một cách nôm na dễ hiểu là việc để cho các cán bộ cấp dưới đánh giá, nhận xét nhóm chóp bu cao nhất của đảng Hồ-Tàu là một việc chưa có tiền lệ. Tức là một việc hoàn toàn mới. Vậy, chúng ta thử tìm hiểu xem, cái việc có vẻ hoàn toàn mới và có tính chất tiến bộ này thực sự là thế nào.

Thưa anh chị em và quí vị, lấy phiếu tín nhiệm như đã nêu là dựa trên một văn bản có mã số 96-QĐ/TW do ban chấp hành trung ương của đảng Hồ-Tàu ban hành ngày 2 tháng 2 năm 2023. Văn bản này thường được báo giới gọi tắt là Qui định 96. Nội dung chính của Qui định 96 là đảng Hồ-Tàu đưa ra một hoạt động mới có hình thức dân chủ nội bộ bằng cách thực hiện các cuộc thăm dò dư luận trong các tổ chức của toàn hệ thống chính trị về các chức danh lãnh đạo. Cuộc thăm dò tín nhiệm được thực hiện định kì vào năm thứ 3 của kì đại hội đảng bộ các cấp.

Việc đánh giá tín nhiệm dựa trên hai tiêu chuẩn: Một, có tính chất tinh thần, lí tưởng liên quan tới ý thức chính trị, đạo đức, lối sống, kỉ luật; Hai, có tính chất cụ thể về trách nhiệm được giao phó.

Có ba mức đánh giá: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Qua kết quả thăm dò đánh giá tín nhiệm này, những nhân vật bị đa số đánh giá tín nhiệm ở mức thấp sẽ phải chịu một kết quả xấu cho đường công danh, có thể là giáng chức, bãi chức hoặc một hình thức kỉ luật nào đó. Đấy là về lí thuyết văn bản.

Có một điểm khá hấp dẫn là kết quả việc thăm dò tín nhiệm này sẽ được công khai tại các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, sự công khai này không có nghĩa là bạch hóa cho công luận biết. Qui định 96 ghi rõ rằng bỏ phiếu tín nhiệm trong ban chấp hành trung ương chỉ được công khai trong nội bộ, công luận hoàn toàn không được biết.

Đó là một số qui định chung cho toàn bộ hệ thống chính trị, mọi cơ quan, tổ chức của đảng Hồ-Tàu.

Riêng đối với tổ chức là ban chấp hành trung ương, kì hội nghị trung ương giữa kì sẽ tiến hành thăm dò lấy phiếu tín nhiệm cho toàn bộ thành viên của Bộ Chính Trị  và Ban Bí Thư. Nghĩa là theo lí thuyết-văn bản, bản thân Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ phải chịu sự đánh giá soi xét của toàn bộ cấp dưới trong ban chấp hành trung ương. Nghĩa là, cũng vẫn trên phương diện lí thuyết, Nguyễn Phú Trọng có thể bị đánh giá tín nhiệm loại thấp và bị loại khỏi ban chấp hành trung ương qua việc lấy phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, những suy diễn vừa nói chỉ là trên phương diện lí thuyết. Ngoài ra, muốn có một cuộc thăm dò cho ra kết quả khả tín thì tối thiểu phải có những điều kiện cần và đủ.

Thưa anh chị em và quí vị, đọc toàn bộ Qui định 96, chúng ta không thể tìm ra một từ hay chữ nào nói đến việc làm sao để cho cuộc kiểm phiếu tín nhiệm không bị đánh tráo, gian dối. Chỉ riêng điều này đã tự tố cáo Qui định 96 là một qui định có tánh chất lừa đảo công luận. Bởi cho dù cuộc bỏ phiếu tín nhiệm được tiến hành thế nào đi nữa, song, nếu những kẻ có thẩm quyền kiểm phiếu và công bố kết quả lại tùy ý sửa chữa, thay đổi thì cuộc kiểm phiếu đó cũng hoàn toàn vô giá trị. Nguy hiểm hơn nữa, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đó có thể còn là một võ khí hết sức lợi hại cho những kẻ có quyền thao túng trong đảng Hồ-Tàu tự làm những cuộc truy tìm và thanh trừng các đối thủ tiềm tàng của chúng.

Do đó, chỉ nội một chi tiết này của Quyết định 96 cũng đủ cho chúng ta thấy bỏ phiếu tín nhiệm vẫn chỉ là một loại thủ đoạn “bình mới, rượu cũ” của bọn ngoan cố độc tài và quen thói lừa dối dư luận.

Tuần sau chúng ta sẽ cùng bàn thêm một số điều kiện tối cần khác để một cuộc đánh giá tín nhiệm có thể tin được.

Khánh Ngọc cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.

21/05/2023

You May Also Like