Kính thưa quý thính giả, buôn người là một loại tội phạm lớn nhất xâm phạm quyền sống của con người và là vấn nạn lớn lao trên toàn thế giới trong tình trạng toàn cầu hóa nhất là đối với con dân VN. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, mời quý vị nghe tiếp phần 2 bài viết: “Nạn Buôn Người ở Việt Nam: Câu chuyện cô Y Tiên” trích trên VN Thời Báo sẽ được Minh Nguyệt trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Câu chuyện cô Y Tiên (tiếp theo)
PHẦN 2
Câu chuyện tiếp Nạn Nhân Buôn Người: cô Y Tiên và Những người chủ sử dụng lao động ở Ả Rập.
Người chủ thứ hai, người chồng tên ‘Phuket Athi’, người vợ là ‘Pro Ajh’. Cô làm được cho họ 1 năm 9 tháng. Họ đối xử với cô rất tàn ác.
Lồi cô Y Tiên kể:
“Họ đối xử với chị ác lắm, phải nói là quá ác, ăn uống họ cho chị ăn cơm thừa, ốm thì cho uống panadol, quần áo mặc một bộ không thôi, không thoải mái; trả lương thì không trả tiền sòng phẳng, họ còn mượn tiền chị nữa. Họ còn xù tiền lương của chị nữa. Họ mượn tiền chị 4000R, và ba tháng 15 ngày họ không trả tiền lương cho chị. Một ngày làm từ 7 giờ sáng tới 2 giờ sáng hôm sau mới cho nghỉ, ngày nào cũng như thế.”
Chủ Nhân từ chối giúp đỡ.
Y Tiên bị nhiễm Covid 10 ngày ở nhà, cô khó thở và xin bà chủ đưa đi bệnh viện, nhưng họ không đưa đi. Cô phải gọi điện thoại cho người chị ở Việt Nam, nhờ chị liên lạc với công ty để cầu cứu công ty gọi cho bà chủ nhà đưa cô đi bệnh viện. Công ty gọi cho chủ nhà, nhưng họ vẫn không đưa cô đi bệnh viện. Cô bị nhiễm virus Covid ngất xỉu năm lần và họ tạt nước vào người để cô tỉnh dậy, và khi cô gần chết họ mới đưa và vứt cô tại cổng bệnh viện vì họ sợ cô chết trong nhà của họ.
Sau khi họ thả cô tại bệnh viện, nhân viên tiếp nhận hỏi cô về hộ chiếu và thẻ cư trú, nhưng giấy tờ của cô đều bị chủ nhà giữ. Người của bệnh viện hỏi người chủ của cô khi người chủ vẫn còn ngồi trong bệnh viện, nhưng họ không giải quyết và rồi bỏ đi.
Công ty xuất khẩu lao động từ chối giúp đỡ.
Cô hết cách nên đã xin nhân viên bệnh viện nối mạng internet để cô liên lạc với chị gái ở Việt Nam. Chị gái của cô gửi hộ chiếu cho công ty, và sau đó công ty mới gửi hộ chiếu để cô được nhập viện. Cô ở bệnh viện 10 ngày, nhưng bác sĩ bảo vẫn chưa khỏi hẳn, chỉ tạm đỡ và yêu cầu cô cung cấp số điện thoại của chủ nhà để chủ nhà tới đón cô về. Bác sĩ gọi cho chủ nhà, báo người làm của ông đang ở bệnh viện và cần trả phí bệnh viện và đưa về nhưng chủ nhà từ chối rồi cúp máy. Chủ nhà nói với bác sĩ nếu cô ta chết thì cho cô chết ở đó, hoặc đưa cô tới công ty của cô. Rồi chủ khóa số ĐT của bệnh viện. Bệnh viện dùng số khác gọi lại thì ông ta hứa nhưng không làm gì cả. Sau đó cô liên lạc với công ty, công ty bảo cô “chúng tôi bận lắm, không có thời gian rảnh, cứ để lời nhắn đi” nhưng khi nhắn tin thì công ty lại nói “nhắn nhiều thế, ai rảnh đâu mà đọc”.
Đại sứ quán Việt Nam từ chối giúp đỡ.
Cô gọi cho đại sứ quán Việt Nam, nhưng họ không bắt máy. Cô nhắn tin với đại sứ quán là cô bị chủ bỏ ở bệnh viện, cô xin họ nói chuyện với chủ để chủ tới đón về. Nhưng bên đại sứ quán bảo cô hãy liên lạc với người môi giới để giúp, và họ đã không giúp được gì. Cô nói, cô gọi cho đại sứ quán nhiều lần, nhưng họ chỉ trả lời “chúng tôi không giúp được gì cho bạn, bạn hãy liên lạc với công ty”.
Cô ở bệnh viện hết 15 ngày với một bộ đồ trên người, sau khi thấy cô đỡ bệnh, bác sĩ mới mua cho cô một bộ đồ mới để thay. Và thông báo là vì cô bị bỏ rơi nên bệnh viện không tính tiền viện phí và việc chữa trị cho cô miễn phí. Bác sĩ hỏi cô về địa chỉ của người chủ, và xin số điện thoại của đại sứ quán Việt Nam và cả số điện thoại của người chủ. Bác sĩ sau đó gọi cho người chủ, và nói với ông ta nếu ông không tới đón người làm của ông, chúng tôi sẽ báo cảnh sát.
Bị móc nối vào đường dây bán dâm.
Lúc cô đang cầu cứu với đại sứ quán trong bệnh viện thì có một cái nick nhắn tin cho cô trên Facebook là Hoa Nguyễn, bảo cô trốn khỏi bệnh viện tới cửa bệnh viện sẽ có người đón. Cô nói, cô đang bị cách ly, ở đâu cũng có người canh gác và cô không biết đường. Cô kết bạn với Hoa Nguyễn vì thấy trên Facebook là bà này hay giúp lao động. Hoa Nguyễn bảo đưa cô ra ngoài, và cô nói nếu đưa ra thì hãy đưa cô tới đại sứ quán Việt Nam, nhưng cô nghĩ bà này thật sự không muốn đưa cô tới đại sứ quán.
Năm ngày sau khi bệnh viện liên lạc với chủ nhà thì có một người đàn ông khác tới đón cô, mà không phải là người chủ trước.