Thưa quý thính giả, –
Phạm Đoan Trang là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ. Trong nhiều tác phẩm đấu tranh của cô chúng tôi đã chọn cuốn” Cẩm nang nuôi tù” để giới thiệu với thính giả vì nó rất cần thiết cho rất nhiều gia đình có thân nhân đang bị bạo quyền cầm tù. Hơn nữa làn sóng bắt bớ vẫn đang lan rộng nên sẽ có nhiều người sẽ phải ở trong thân phận” nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
Sau đây mời quý thính giả theo dõi phần tiếp theo của Cẩm Nang Nuôi Tù với giọng đọc của Bảo Trân và Hướng Dương
CẨM NANG NUÔI TÙ(Tiếp)
Phạm Đoan Trang
Ở những quốc gia như Mỹ, Anh, thậm chí ngay tại một nước láng giềng Đông Nam Á của chúng ta là Philippines, có những vụ án kéo dài năm này qua năm khác. Người viết bài này từng chứng kiến quá trình điều tra và xét xử một phụ nữ Việt Nam bị cáo buộc mang cần sa nhập cảnh vào Philippines. Sau tới hàng chục phiên điều trần (hearing), việc xét xử vẫn chưa xong vì… bị cáo không có phiên dịch.
Mặc dù thế, ở các xã hội có truyền thống tự do hoặc có ý thức tôn trọng nhân quyền cao hơn, pháp luật vẫn hướng tới việc bảo đảm quyền im lặng cũng như các quyền “gây khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra” khác. Người ta tin rằng, tìm ra và trừng phạt kẻ có tội là một việc cần thiết và quan trọng – vì công lý; nhưng không kết tội oan, không mớm cung, bức cung, tra khảo, không hành hạ, không xử tử nhầm người vô tội, cũng là vấn đề công lý.
Đọc thêm
Chặn xuất cảnh (Lưu Văn Minh – Dustin Bý)
Một trong những ngón võ ưa thích của công an Việt Nam để “chống phản động”, tức là để gây khó khăn, hao tổn sức lực, vật lực của những cá nhân/tổ chức hoạt động dân chủ- nhân quyền, là cấm xuất cảnh. Thanh niên đi nước ngoài học về xã hội dân sự, thân nhân gia đình tù nhân lương tâm đi vận động quốc tế… đều có thể là các đối tượng bị liệt vào “danh sách đen” cấm xuất nhập cảnh.
Trong bài dưới đây, tác giả Lưu Văn Minh thuật lại một lần anh bị cấm xuất cảnh và ép “làm việc” tại đồn công an. Các bạn chú ý cách thẩm vấn, moi thông tin của công an: đủ cả đe dọa, trấn áp, hoạnh họe, dụ dỗ ngon ngọt, khiêu khích chọc tức, hỏi đi hỏi lại nhiều lần…
Các bạn cũng chú ý cách trả lời của tác giả Lưu Văn Minh: Giữ tư thế bình đẳng hoặc cao hơn công an (nên nhớ chính công an mới là bên làm sai), giữ nguyên tắc “không sai thì không có gì phải nhận”, không cung cấp thông tin cho công an vì đó sẽ là một cách tiếp tay cho cái sai, kiên quyết không tiếp tay cho công an hại người khác…
Ngày 16/11/2014, tôi làm thủ tục xuất cảnh đi Myanmar. Đến cửa số 3 làm thủ tục check-in, nhân viên check-in có cầm hộ chiếu của tôi giơ lên và gọi người, có người đã đợi sẵn ở đó. Nhân viên đó cầm hộ chiếu và vé của tôi hỏi:
– Em Minh đi đâu thế? – Em đi du lịch, anh ạ. – Du lịch ở đâu em?
– Em đi Myanmar, anh ạ.
– Em đi lâu không?
– Em cũng chưa biết. Tùy, anh ạ. – Em đặt vé ở đâu?
– Em không nhớ, anh ạ.
– Mời em đi theo anh.
Tôi được cán bộ dẫn đến một phòng và ngồi chờ ở đó. Được một lúc thì tôi được dẫn lại quầy số 3 để check-in, theo như tôi phán đoán thì tất cả những ai là thanh niên đi Myanmar hôm 16/11/2014 đều bị kiểm tra kỹ lưỡng. Trong lúc tôi ngồi chờ, tôi thấy cũng rất nhiều người đi Myanmar bị làm khó.
Đến cửa check-in số 3 làm lại thủ tục, đợi một lúc, nhân viên check-in bảo tôi bị cấm xuất cảnh. Nhân viên an ninh gọi ngay sếp ra và tôi được cả một hội đồng “chăm sóc”.
Một nhân viên an ninh lôi tập hồ sơ của tôi được in ra. Một nhân viên khác thì mắng cán bộ kiểm tra hộ chiếu vì không kiểm tra kỹ mà lại để tôi được làm thủ tục xuất cảnh.
Tôi được dẫn đến phòng chờ Cục Xuất nhập cảnh. Tôi hỏi lực lượng an ninh: “Các anh không cho em đi, thì bây giờ em về nhé?”.
Họ trả lời: “Em cứ đợi một lúc, để nhận hành lý và làm biên bản”.
Một lúc lâu sau, có cán bộ tên Toàn, nhân viên an ninh phòng A67, đến. Họ đưa tôi về đồn công an cửa khẩu. Họ không dám đưa tôi ra cửa chính vì nghĩ sẽ có anh em đợi tôi ở ngoài, nên họ đưa tôi đi ra bằng cửa sau của sân bay, đi thẳng đến đồn công an cửa khẩu. Trên xe có một bạn nữ cũng bị dừng xuất cảnh, tôi không biết là ai. Họ tách tôi với bạn nữ kia ra, tôi bị đưa lên tầng hai.
Họ mời tôi ngồi xuống và bắt đầu làm việc. Cán bộ nói:
– Bây giờ anh yêu cầu Minh viết bản tường trình: đi đâu, gặp ai, ai mua vé, sang đó có ai tiếp đón.
Tôi đáp:
– Em hỏi anh: Thứ nhất, em có làm gì sai không? Thứ hai, tại sao lại cấm em xuất cảnh? Thứ ba là tôi chẳng làm gì sai để mà viết tường trình cả.
Cán bộ:
– Nhân viên sân bay họ cấm xuất cảnh em. Họ chưa nói lý do à – Chưa anh.
– Em bị cấm xuất cảnh là vì an ninh quốc gia.
– An ninh quốc gia ở đây là cái gì?
Cán bộ bắt đầu giải thích lằng nhằng, vòng vo. Tôi hỏi lại:
– Em có làm gì sai không?
– Có. Em có sai.
– Anh không đủ thẩm quyền để nói ai sai ai đúng, sai hay đúng
pháp luật quy định. Anh nói tôi sai thì anh phải đưa bằng
chứng. Anh không thể phát ngôn tùy tiện như thế được.
– Chúng tôi là nhân viên cơ quan quyền lực nhà nước. Chúng tôi có đủ mọi bằng chứng để khẳng định anh sai, anh có tội. Chúng tôi chỉ muốn thấy tinh thần thiện chí, tinh thần tự giác
của anh. Đấy là chúng tôi muốn tốt cho anh.
Tôi gắt lên:
– Tôi chẳng làm gì sai. Tôi nói lại: Tôi không sai. Các anh không cho tôi đi thì tôi về. Tôi không có thời gian, không hơi đâu mà đôi co với các anh.
Cán bộ đổi giọng, nhẹ nhàng:
– Anh hỏi lại Minh nhé. Minh đi sang đó làm gì? Em có bạn bè, người thân nào bên đó không? Có ai ra đón em không? Rồi em sẽ ở đâu? – Tôi đi đâu là quyền của tôi, tôi chả có nghĩa vụ phải nói với các anh. Các anh cấm công dân xuất cảnh là đang vi phạm Hiến
pháp đấy.
Cán bộ vẫn kiên nhẫn, nhẹ nhàng, có phần thân mật:
– Em giờ đang ở đâu? Hải Dương hay Hà Nội?
– Tôi ở đâu, không cần anh phải quan tâm.
– Em giờ đang làm gì?
– Tự do anh ạ. Chơi là chính.
– Ai cho em tiền sang đó?
– Anh nói hay thật. Chẳng nhẽ cứ phải có người cho tôi tiền, tôi mới sang được đó?