Thưa quý thính giả, –
Phạm Đoan Trang là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ. Trong nhiều tác phẩm đấu tranh của cô chúng tôi đã chọn cuốn” Cẩm nang nuôi tù” để giới thiệu với thính giả vì nó rất cần thiết cho rất nhiều gia đình có thân nhân đang bị bạo quyền cầm tù. Hơn nữa làn sóng bắt bớ vẫn đang lan rộng nên sẽ có nhiều người sẽ phải ở trong thân phận” nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
Sau đây mời quý thính giả theo dõi phần tiếp theo của Cẩm Nang Nuôi Tù với giọng đọc của Bảo Trân.
CẨM NANG NUÔI TÙ(Tiếp)
Phạm Đoan Trang
Vì căn bệnh thần tích và bệnh “kiêu ngạo cộng sản” (đã nhắc ở mục III của Chương III), công an luôn sử dụng rất nhiều thủ đoạn khác nhau để đạt mục tiêu của họ.
Nhà văn Phạm Đình Trọng từng viết sau khi trải qua một cuộc thẩm vấn và sách nhiễu kéo dài cả ngày (năm 2014): Vì sao công an cần một chữ ký đến vậy?
Có thể có nhiều lý do, chẳng hạn, cần chữ ký làm bằng chứng để sau này buộc tội người ký. Hoặc, cấp dưới (người lấy cung) cần chữ ký của người bị thẩm vấn để hoàn thành biên bản, hoàn thành nhiệm vụ trước cấp trên. Vì bệnh thành tích, hiếu thắng, “kiêu ngạo cộng sản”, công an không thể chấp nhận một biên bản không có chữ ký “khai nhận” của người bị thẩm vấn. Không thể nào chịu thua “đối tượng” được.
Biết được những điều này sẽ giúp bạn chủ động hơn khi bị thẩm vấn và giảm thiểu rủi ro do nói hớ hoặc bị gài bẫy.
- a) Che giấu nỗi sợ
Trước hết bạn cần nhớ rằng, an ninh không từ bỏ thủ đoạn nào để uy hiếp và làm tổn thương bạn, làm bạn mất tinh thần và suy sụp.
- Nếu biết bạn sợ gián, họ sẽ bắt gián bỏ vào phòng cung, phòng giam, hoặc thả gián vào người bạn (có thể làm như vô tình).
- Nếu biết bạn yêu thương ai nhất, họ sẽ lấy người đó ra để uy hiếp bạn hoặc làm bạn mủi lòng. Một ví dụ: Khi câu lưu Trịnh Kim Tiến nhân phiên tòa phúc thẩm Mẹ Nấm (ngày 30/11/2017), công an liên tục đem đứa con trai nhỏ của cô ra để dụ cô hợp tác: “Kìa, con trai đang gọi điện kìa, đang mong mẹ về kìa”.
- Nếu biết bạn là người có tinh thần tự trọng cao, dễ bị tổn thương, họ sẽ tìm cách xúc phạm, sỉ nhục bạn. TS. Nguyễn Quang A (SN 1946) từng bị công an cải trang làm côn đồ, “quần chúng tự phát” xông vào đồn, chỉ tay vào mặt ông, chửi mắng, xưng hô “mày, tao” với ông.
Do đó, phải luôn chú ý đừng để công an biết điểm yếu hay nỗi sợ của mình. Nếu lỡ để công an biết thì chỉ còn một cách duy nhất là phải cố mà khắc phục điểm yếu ấy, vượt qua nỗi sợ ấy.
- b) Đừng để bị ly gián
Công an cũng thích tấn công phủ đầu bằng cách tỏ ra biết rõ, biết hết. Họ có thể hé ra một vài thông tin và thể hiện rằng họ biết nhiều hơn thế nữa. Thậm chí, họ làm như vô tình để cho bạn thấy những tài liệu hỗ trợ cho các lập luận của họ, ví dụ bản khai của ai đó để lẫn trong tập hồ sơ. Họ muốn khiến bạn tin rằng “thằng bạn mày khai hết rồi”, “mày bị phản bội rồi”, từ đó làm bạn căng thẳng và suy sụp. Vậy hãy:
- Luôn tin tưởng đồng đội mình, hoặc ít nhất là trước mặt công an, phải tin tưởng đồng đội, nhưng
- Ý thức được rằng dưới sức ép của công an, người nào cũng có thể có lúc suy sụp, đầu hàng, thậm chí khai báo nhiều điều có hại cho bạn. Đừng để điều đó làm bạn mất tinh thần. Đừng oán trách họ, hay nói đúng hơn, đừng để rơi vào bẫy “ly gián” của công an.