Thưa quý thính giả,
Phạm Đoan Trang là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ. Trong nhiều tác phẩm đấu tranh của cô chúng tôi đã chọn cuốn” Cẩm nang nuôi tù” để giới thiệu với thính giả vì nó rất cần thiết cho rất nhiều gia đình có thân nhân đang bị bạo quyền cầm tù. Hơn nữa làn sóng bắt bớ vẫn đang lan rộng nên sẽ có nhiều người sẽ phải ở trong thân phận” nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
CẨM NANG NUÔI TÙ(Tiếp)
Phạm Đoan Trang
Nên có sự phân tầng thông tin:
Để bảo mật, ai tham gia công việc nào thì biết về công việc đó, thậm chí chỉ biết về phần mà họ tham gia, không cần phải biết nhiều hơn.
Điều này trái ngược với nguyên tắc làm việc nhóm là luôn phải có sự chia sẻ thông tin với những người cùng làm việc với mình.
Cho nên, cuối cùng, bạn có thể dung hòa hai nguyên tắc trái ngược nhau này bằng cách phân cấp, phân tầng rất rõ: Người thân cận đến mức nào thì có thông tin sâu ở mức tương ứng.
- Phát hiện “đuôi”
Có nghĩa là kiểm tra, phát hiện sự theo dõi/ đeo bám của công an. Khi bạn cần đi gặp ai đó hoặc làm việc gì đó quan trọng, bạn cần cẩn thận kiểm tra xem mình có bị theo dõi, nghĩa là có “đuôi” hay không.
– Trước hết, bạn cần quan sát xung quanh nhà xem có “người lạ” lảng vảng hay không. Kể cả khi bạn không phát hiện “người lạ” th́ì cũng không chắc là bạn không bị theo đuôi.
– Sau khi ra khỏi nhà, nếu di chuyển bằng xe máy, bạn cần quan sát phía sau qua gương chiếu hậu.
– Để phát hiện “đuôi”, bạn chạy xe vào ngõ cụt, hẻm cụt rồi quay lại. “Đuôi” sẽ đứng ngay trước mặt bạn. “Đuôi” có thể sẽ diễn kịch, tức là giả vờ như đang nghe điện thoại, hoặc ngó lơ đi, không để ý đến bạn. Nhưng ánh mắt nhìn bạn thì rõ ràng không hề lơ đãng, mà là nhìn có chủ ý, xem bạn đang (định) làm gì.
– Bạn cũng có thể chạy vào đường một chiều hoặc chạy vòng một vòng tròn. Người luôn đồng hành sau lưng bạn. Lúc đó chắc chắn là “đuôi”.
– Nếu đi bộ, bạn có thể đi lòng vòng, vòng tới vòng lui, sẽ
rất dễ phát hiện “đuôi”.
– Khi quan sát qua gương chiếu hậu, chú ý:
– Đừng quay đầu lại nhìn trong khi di chuyển vì gây nguy
hiểm cho bạn (rủi ro tai nạn giao thông), và cũng đánh
động đối tượng đang theo dõi bạn.
– Tập thói quen quan sát phía sau qua gương chiếu hậu.
Nên sử dụng gương lớn để có tầm quan sát rộng. Tốt nhất nên dùng gương cầu lồi.
Ánh mắt của công an khi theo dõi bạn hoặc canh cửa nhà bạn rất khác với ánh mắt người bình thường nhìn bạn. Nó không hề lơ đãng, mà rất có chủ ý và không có chút tình cảm nào với bạn, nếu không muốn nói là đầy ác cảm.
- Kỹ năng “cắt đuôi”
Khi đã phát hiện có “đuôi”, bạn cần tìm cách “cắt”. Nghe thì ly kỳ, gay cấn, nhưng thực ra “cắt đuôi” cũng chỉ là một kỹ năng, thực hành nhiều là quen và thành thạo. Có nhiều cách:
– Nếu đi xe máy, bạn nên chạy xe vào những ngõ hẻm có nhiều nhánh, nhiều ngả rẽ.
Khi bạn rẽ liên tục qua những khúc quanh nhỏ, bạn có cơ hội thoát dễ dàng hơn là bạn chạy với tốc độ lớn trên một đường thẳng. Các khúc quanh ngắn sẽ che chắn cho bạn để thoát khỏi những người theo dõi.
Nếu bạn chạy tốc độ lớn trên đường thẳng thì có thể gây nguy hiểm cho chính bạn và cả người đi đường, trong khi đó xe của những người đuổi theo đa phần là xe phân khối lớn nên bạn sẽ khó thoát.
Bạn cũng có thể chạy vào một khu chợ hoặc khu phố đông đúc. Nơi đông người sẽ che chắn cho bạn khỏi tầm quan sát của “cái đuôi”, và bạn có cơ hội chạy thoát.
– Nếu đi bộ, bạn có thể vào một khu trung tâm mua sắm lớn và có nhiều cửa, hoặc vào một khu chợ đông đúc.
Tóm lại, nơi đông người là nơi bạn có thể thoát được.
Bạn cũng cần nhớ rằng những kỹ thuật trên chỉ áp dụng được trong trường hợp an ninh chỉ muốn theo dõi xem bạn đi đâu, gặp ai, làm việc gì. Còn nếu họ quyết tâm ngăn cản hoặc muốn bắt cóc bạn thì những kỹ thuật trên không đạt được mục đích. Lúc này:
- Bạn cần sử dụng biện pháp khác như: cải trang để thay đổi hình dạng, đi vòng cửa sau, trèo tường… để trốn thoát.
- Bạn cần nhờ một số người hỗ trợ, giúp đỡ để che chắn
cho bạn hoặc đưa bạn ra khỏi vùng nguy hiểm.
- Nếu bạn có một kế hoạch kỹ lưỡng, có khảo sát thực địa
trước thì khả năng thoát thân của bạn sẽ cao hơn.
- Ẩn náu
Sau khi đã thoát khỏi nơi nguy hiểm, bạn cần tìm cách ẩn náu an toàn. Đó phải là một nơi thật kín và tin tưởng.
- Bạn không nên tiếp xúc với bất kỳ ai, kể cả người thân. Cần biết rằng an ninh sẽ theo dõi người thân của bạn để tìm ra bạn.
- Mọi liên lạc chỉ nên thông qua một đầu mối mà bạn tin
tưởng; người này không có quan hệ quá mật thiết với giới
hoạt động và cả với gia đình bạn.
- Cắt tất cả mọi thiết bị liên lạc như điện thoại cầm tay,
Facebook… vì an ninh có thể tìm ra bạn thông qua định vị các thiết bị (kể cả điện thoại “cùi bắp” không dùng GPRS).
Bạn cũng có thể chọn cách cải trang và di chuyển liên tục để tránh bị phát hiện:
- Khi an ninh muốn định vị bạn, họ cần một khoảng thời gian để xác định vị trí của bạn. Do đó, việc di chuyển liên tục sẽ khiến họ không đủ thời gian để định vị.
- Bạn cần cải trang để thay đổi hình dạng, tránh bị phát hiện bởi hệ thống camera dọc đường, cũng như bị phát hiện bởi tai mắt của an ninh.
- Bạn vẫn cần phải tắt tất cả các thiết bị liên lạc công nghệ, đặc biệt là điện thoại cầm tay, để tránh bị định vị. Bạn chỉ có thể sử dụng trong khoảng thời gian cực ngắn khi cần liên lạc, nhưng nói chung là không nên.
- Vượt qua thẩm vấn
Là thân nhân của một nhà hoạt động đang bị cầm tù, bạn có thể cũng bị câu lưu và bị thẩm vấn. Bạn cần hiểu biết ít nhiều về những người thẩm vấn bạn và những kỹ thuật mà họ có thể áp dụng với bạn, đồng thời, bạn cũng cần biết cách để đối phó trong các tình huống đó.
Công an, cụ thể hơn là an ninh, được đào tạo bài bản các kỹ thuật thẩm vấn. Mục tiêu của thẩm vấn là thu thập thông tin và khiến người bị thẩm vấn phải hợp tác.