Chuyện Nước Non Mình: CẨM NANG NUÔI TÙ(Tiếp)

Thưa quý thính giả, –

Phạm Đoan Trang là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ. Trong nhiều tác phẩm đấu tranh của cô chúng tôi đã chọn cuốn” Cẩm nang nuôi tù” để giới thiệu với thính giả vì nó rất cần thiết cho rất nhiều gia đình có thân nhân đang bị bạo quyền cầm tù. Hơn nữa làn sóng bắt bớ vẫn đang lan rộng nên sẽ có nhiều người sẽ phải ở trong thân phận” nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.

      DLSN02062022bis Camnang

CẨM NANG NUÔI TÙ(Tiếp)

Phạm Đoan Trang

Sau đây mời quý thính giả theo dõi phần tiếp theo của Cẩm Nang Nuôi Tù sẽ do Bảo Trân trình bày để kết thúc chương trình PTĐLSN tối nay

Năm 2010, khi đang bị giam ở trại Xuân Lộc (Đồng Nai), ông Huy được biết “quốc tế có gửi thư cho tù nhân lương tâm Việt Nam Trương Quốc Huy”, ông chủ động hỏi quản giáo và cuối cùng cũng nhận được một số lá thư thăm hỏi. Tất nhiên, đó chỉ là một vài trong số hàng chục, có thể là hàng trăm lá thư tay, từ nhiều cá nhân và tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới gửi về cho ông Huy theo lời kêu gọi của Ân xá Quốc tế.

Điều quan trọng là, như ông Huy sau này có nói với tôi, sau mỗi lần như vậy, điều kiện sống của ông ở trong trại được cải thiện rất nhiều. “Gần như cứ mỗi khi mà tự nhiên lại có thịt cá, đồ ăn tươi, có bác sĩ vào thăm khám, thái độ quản giáo nhẹ nhàng hơn… là mình biết chắc vừa có can thiệp từ quốc tế. Hoặc là họ đòi vào thăm, hoặc là họ gửi thư hàng loạt cho mình, kiểu như Ân xá Quốc tế làm đó. Có thể họ chẳng được vào gặp mình đâu, thư cũng không thể đến tay mình, nhưng điều kiện ăn ở thì khá lên rõ”.

Thư gửi các tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, Mẹ Nấm, Trần Huỳnh Duy Thức. Ảnh: Lê Bảo Nhi, tháng 7/2018.

Đó là lời kể của một người tù Việt Nam từng trực tiếp nhận thư trong chiến dịch viết thư của Ân xá Quốc tế. Còn như lời bà Kate Allen, một giám đốc của tổ chức này, thì những lá thư tay (xin nhấn mạnh là thư tay) đó rất có giá trị và tác dụng: “Khi bạn ngồi tù thì tất nhiên bạn không đọc twitter hay email được. Nhưng bạn có thể nhận thư và bưu thiếp. Và nếu bạn không nhận được thư và bưu thiếp thì gia đình của bạn có thể. Tôi không nhớ nổi đã có bao nhiêu lần tôi nghe tù nhân lương tâm hoặc một tổ chức nào đó (…) nói rằng những lá thư và bưu thiếp đó mang lại hy vọng. Chúng là mối liên hệ với thế giới bên ngoài, chúng cho tù nhân lương tâm hiểu rằng không phải họ đang đấu tranh một mình”.

Bạn thân mến,

Có thể bạn rất bận. Có thể bạn sẽ cho việc viết thư tay thời buổi này là phù phiếm, hình thức. Có thể bạn nghĩ những lá thư hay bưu thiếp bạn gửi cho Thuý Nga, Như Quỳnh, Hoàng Bình hay Trần Huỳnh Duy Thức đều không đến với họ và chẳng có ý nghĩa gì.

Nhưng thực tế – qua lời kể của người trong cuộc – là những lá thư tay đó ít nhất cũng có tác dụng khiến nhà tù phải lưu ý cải thiện đời sống của tù nhân lương tâm. Rõ ràng là việc một người tù “trong địa hạt quản lý” của mình nhận được hàng trăm thư từ bên ngoài phải khiến cho quản giáo ngần ngại hơn nếu có muốn trù dập người đó. Ấy là chưa nói, chắc hẳn những lá thư sẽ là một cách bảo vệ, để tù nhân lương tâm không bị bức hại, đánh đập hay thậm chí đầu độc trong tù.

Nếu bằng cách nào đó (mà chắc là có cách), các tù nhân lương tâm như Thúy Nga, Như Quỳnh, Hoàng Bình, biết được rằng mọi người bên ngoài gửi thư cho họ, thì họ sẽ được an ủi biết bao nhiêu; họ sẽ thấy mình không cô đơn.

Chương VII

BẢO MẬT

Chương này tập trung vào một nội dung cực kỳ quan trọng trong công việc của những người hoạt động dân chủ và bảo vệ nhân quyền, trong đó có thân nhân, gia đình của các tù nhân lương tâm: Bảo mật thông tin.

Trước hết, ngay từ đầu chương, chúng ta phải dẹp bỏ các quan niệm sai lầm tệ hại liên quan đến bảo mật.

  1. Tại sao phải bảo mật?
  2. “Cứ công khai mà làm!”

Nói về chuyện bảo mật, có một quan niệm sai lầm tệ hại nhưng lại rất phổ biến là: Mình không làm gì sai thì việc gì phải sợ. Chẳng việc gì phải bảo mật, cứ đường đường chính chính, công khai mà làm.

Hậu quả: Những người giữ quan niệm ấy là những người làm gì cũng bị lộ, bị công an cản phá, từ những việc tưởng chừng hoàn toàn vô hại và hợp pháp, như đi cafe gặp gỡ đầu xuân, tổ chức tiệc sinh nhật, dã ngoại, làm từ thiện… Trong trường hợp xấu nhất, họ bị bắt giam, tổ chức của họ bị đánh tan tác.

 

Trong xã hội công an trị, vấn đề không phải là bạn làm đúng hay sai, mà là công an đánh giá việc bạn làm là thế nào, có ảnh hưởng gì đến chế độ không, có đáng để công an mở chuyên án không, có cần ngăn chặn hay theo dõi, kiểm soát không, có trở thành cơ hội để công an được thăng chức hay được lên lương, khen thưởng không… Tùy vào những đánh giá đó, công an sẽ có biện pháp xử lý, và kết quả là bạn sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình, kể cả trong những việc mà bạn cho là “có gì sai đâu”, “có ảnh hưởng ai đâu”, “có đe dọa an ninh quốc gia đâu”.

Đó là chưa kể nhiều trường hợp, một người nào đó bất cẩn để lộ thông tin hoặc thậm chí chủ động khai báo hết với công an. Hậu quả là bản thân người đó lại… chẳng làm sao, nhưng những cá nhân, tổ chức có liên quan đến người đó thì bị công an đánh phá, đàn áp nặng nề. Cho nên, bảo mật không phải là chuyện của cá nhân bạn, nó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của bạn với những người khác có liên quan.

Muốn đạt mục tiêu đề ra, nghĩa là thực hiện được công việc mình muốn làm, bạn buộc phải bảo mật, dù rất phiền phức.

Hãy nhớ nguyên tắc này: Hành động có thể công khai nhưng quá trình chuẩn bị nhất thiết phải bí mật.

Hãy chấp nhận điều này: Bảo mật luôn gây phiền phức, mất thì giờ. Càng bảo mật thì càng bất tiện, nhưng càng thoải mái, tiện lợi thì càng không bảo mật.

  1. “Công an biết hết”

Ở khía cạnh ngược lại, còn một quan niệm sai lầm khác là: Mình làm gì, công an cũng biết hết, thế nên bảo mật làm quái gì, vô ích.

You May Also Like