Thưa quý thính giả,
Phạm Đoan Trang là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ. Trong nhiều tác phẩm đấu tranh của cô chúng tôi đã chọn cuốn” Cẩm nang nuôi tù” để giới thiệu với thính giả vì nó rất cần thiết cho rất nhiều gia đình có thân nhân đang bị bạo quyền cầm tù. Hơn nữa làn sóng bắt bớ vẫn đang lan rộng nên sẽ có nhiều người sẽ phải ở trong thân phận” nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
Sau đây mời quý thính giả theo dõi phần tiếp theo của Cẩm Nang Nuôi Tù sẽ do Bảo Trân trình bày để kết thúc chương trình PTĐLSN tối nay.
CẨM NANG NUÔI TÙ(Tiếp)
Phạm Đoan Trang
28.04.2022
- Khi gặp gỡ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tôi tham gia nghi lễ chào cờ, và là cờ vàng ba sọc đỏ. Như vậy có sao không?
Nhập gia tùy tục. Lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng gắn kết, là di sản văn hóa – tinh thần của cộng đồng người Việt hải ngoại. Bạn nên tôn trọng cờ vàng, ít nhất là khi tham gia các sinh hoạt cộng đồng của bà con. Bạn có thể tham dự nghi lễ chào cờ, có thể chào cờ, chụp ảnh làm kỷ niệm…
Tuy nhiên, nếu bạn đăng tải những hình ảnh này trên mạng và tỏ ra công khai ủng hộ, tôn vinh cờ vàng, bạn có rủi ro bị công an “trừng phạt” khi trở về nước. Có blogger Việt Nam đi vận động quốc tế, về tới sân bay, liền bị công an câu lưu. Công an đưa ra những bức ảnh mà anh chụp dưới lá cờ vàng ở nước ngoài, và bạt tai anh, đấm đá túi bụi.
- Trước mỗi cuộc gặp, tôi nên chuẩn bị những gì?
Ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ để không kiệt sức, không buồn ngủ, không ngáp vặt lúc làm việc.
Chuẩn bị (trong đầu và bằng văn bản) thông tin về người thân – tù nhân lương tâm của mình, bao gồm: công việc, “những câu chuyện về đời hoạt động”, lý do bị bắt nếu có.
Chuẩn bị (trong đầu và bằng văn bản) hồ sơ pháp lý về vụ án. Nhìn chung, đã có người đi tù là gia đình chắc chắn phải tìm hiểu về luật pháp, phải hiểu biết về khía cạnh pháp lý của vụ việc, dù ít dù nhiều.
Ví dụ, bạn phải trả lời được câu hỏi là công an có thực hiện đúng quy trình, thủ tục tố tụng không; trại giam có bảo đảm quyền của người tù không; và việc bắt người này của nhà nước Việt Nam có đi ngược lại các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết không?
Chưa hết, bạn phải nói được nguyện vọng của người thân đang ở tù, và của gia đình. Nguyện vọng đó là không bị ngược đãi, bức hại trong tù, hay là được trả tự do sớm?
Luôn nhớ chuẩn bị báo cáo, bằng chứng (hình ảnh, giấy tờ) về vụ việc, bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh đều được, tất nhiên bằng tiếng Anh thì tốt hơn. Tổ chức hỗ trợ bạn đi vận động, nếu chuyên nghiệp, thường cũng đã chuẩn bị một bộ hồ sơ cho người thân của bạn. Nhưng giả sử họ chưa có thì bạn nên nhắc họ làm hoặc giúp bạn làm. Nói chung, đi làm việc là phải có văn bản, tài liệu đi kèm, kể cả là đơn kiến nghị. Văn bản, tài liệu bằng tiếng Anh chuẩn mực thì càng tốt.
Nếu muốn ghi âm, chụp ảnh, quay phim để làm truyền thông về cuộc gặp thì nên hỏi ý kiến những người có liên quan trước.
Làm việc gì cũng cần có sự chuẩn bị tốt, có chiến lược, kế hoạch. Vận động quốc tế càng như vậy.
Tuy nhiên, không nên hồi hộp, lo lắng, cảnh giác, vì đi vận động quốc tế không phải là đi thi hay đi cầu cạnh, xin xỏ ai điều gì. Bản thân những nhóm đối tượng được vận động thường cũng không đặt điều kiện, không đòi hỏi, kỳ vọng thái quá ở gia đình tù nhân lương tâm hay ở nạn nhân của vi phạm nhân quyền. Tất nhiên là có sự chuẩn bị thì kết quả tốt đẹp hơn.
- Trong cuộc gặp, tôi nên làm gì?
Ăn mặc lịch sự. Có mặt đúng giờ hẹn hoặc sớm hơn ít phút.
Cố gắng tham gia một cách chủ động hoặc ít nhất cũng thể hiện sự quan tâm và tập trung cao độ. Tuyệt đối không được tỏ ra uể oải, chép miệng, thở dài, ngáp…
Mang theo hồ sơ, báo cáo, các bằng chứng đã chuẩn bị. Chuyển tận tay đối tác.
Lưu ý là mỗi đối tượng của vận động quốc tế lại quan tâm đến vụ việc ở các khía cạnh khác nhau. Ví dụ:
✓ Giới truyền thông (báo chí) quốc tế thường quan tâm đến những câu chuyện mang tính cá nhân, về cuộc đời và công việc của tù nhân lương tâm, về hoàn cảnh của người đó trong tù, bị ngược đãi ra sao, đối xử vô nhân đạo như thế nào…
✓ Các tổ chức nhân quyền quốc tế thường làm các báo cáo và nghiên cứu, cho nên họ quan tâm nhiều đến khía cạnh pháp lý của mỗi vụ án. Họ thường vận động gây quỹ hoặc có quỹ riêng hỗ trợ tù nhân lương tâm, cho nên cũng quan tâm đến khía cạnh nhân đạo, đến tình trạng giam giữ (có bị ngược đãi không và như thế nào…).
✓ Quan chức chính phủ và nghị sĩ, dân biểu quốc hội các nước có thể quan tâm đến ảnh hưởng của tù nhân lương tâm đó, nguyện vọng của người tù và gia đình, tình hình nhân quyền ở Việt Nam nói chung…
Nhưng điểm chung giữa tất cả các nhóm là: Ai cũng thích nghe kể chuyện, nhất là chuyện hay và được kể hay (chi tiết, hấp dẫn).
Vậy nên hãy kể chuyện. Hãy tìm các chi tiết để kể lại. (Nhớ lại phần “23 điều cần lưu ý khi viết tin, viết bài” trong Chương V: “Làm truyền thông”).
Nên chủ động đề nghị được chụp ảnh với đối tác trong cuộc vận động. Nếu họ đề nghị trước thì không nên từ chối. Không có nhiều cơ hội cho bạn đi nước ngoài vận động quốc tế đâu.
Sẽ tốt hơn nhiều cho phong trào chung và cho chính bạn, nếu bạn tranh thủ cơ hội gặp gỡ để nói cả về những tù nhân lương tâm khác và gia đình của họ, về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
- Trong cuộc gặp, tôi nên tránh làm gì?
Không sai hẹn, không đến muộn. Không ăn mặc hở hang, trang điểm lòe loẹt. Nên nhớ là bạn đang đi vận động cho người thân ở tù chứ không phải đang đi xin tiền, xin học bổng, xin việc làm, xin định cư.
Trong suốt cuộc gặp, tuyệt đối không được tỏ ra uể oải, chép miệng, thở dài, ngáp…
Không nên chỉ nói về mình và/hoặc người thân của mình. Rất nhiều người đi vận động quốc tế đã mắc lỗi này, tức là họ chỉ nói về chính mình hoặc người thân của mình mà không quan tâm gì tới các tù nhân lương tâm khác, các gia đình khác hay tình hình chung ở Việt Nam.
Tuyệt đối không tranh thủ kể khổ rồi xin hỗ trợ tài chính, xin học bổng, xin cơ hội định cư hay đi tị nạn ở nước ngoài. Bạn sẽ “mất điểm” hoàn toàn với đối tác nước ngoài nếu làm những điều này.
- Sau cuộc gặp, tôi nên làm gì?
Thứ nhất, nên đưa tin về cuộc gặp. Tin, bài nên có hình ảnh đi kèm (ảnh tĩnh hoặc video). Dùng cuộc gặp đó như một sự kiện để làm truyền thông. Tất nhiên, vì phép lịch sự trong ngoại giao, vì nguyên tắc báo chí và nguyên tắc bảo mật, bạn nên hỏi ý kiến đối tác nước ngoài trước, xem họ có đồng ý để bạn đưa tin không.
Thứ hai, sứ quán tại Việt Nam của nước mà bạn gặp chính là nơi trực tiếp làm báo cáo, hồ sơ vận động thêm về trường hợp người thân của bạn. Do đó, khi về nước, bạn nên chủ động gặp gỡ sứ quán của quốc gia đó tại Việt Nam để thúc đẩy vụ việc.