Thưa quý thính giả,
Phạm Đoan Trang là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ. Trong nhiều tác phẩm đấu tranh của cô chúng tôi đã chọn cuốn” Cẩm nang nuôi tù” để giới thiệu với thính giả vì nó rất cần thiết cho rất nhiều gia đình có thân nhân đang bị bạo quyền cầm tù. Hơn nữa làn sóng bắt bớ vẫn đang lan rộng nên sẽ có nhiều người sẽ phải ở trong thân phận” nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
Sau đây mời quý thính giả theo dõi phần tiếp theo của Cẩm Nang Nuôi Tù sẽ do Bảo Trân trình bày để tiếp nối chương trình PTĐLSN tối nay.
CẨM NANG NUÔI TÙ(Tiếp)
Phạm Đoan Trang
Chúng mất thì giờ cho cái việc rình rập ấy ghê lắm, vì đơn giản là với cái máu hiếu thắng và hèn hạ của cộng sản, với căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản” đã thành mãn tính, chúng không thể chịu thua dân được, nhất là tù nhân lương tâm – những người đã phải đi tù vì không sợ chúng, không khuất phục chúng.
Những ngày này, công an, quản giáo cũng đang diễn lại vở cũ đó với Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Lại tiếp tục rình mò, đặt máy quay để ghi hình lén. Khi bà Tuyết Lan vào thăm con, Quỳnh nói với mẹ: “Họ tưởng là con lục đồ ăn đó hả, không có đâu. Con chỉ sắp xếp lại đồ đạc thôi. Tưởng đặt máy quay, quay lén con mà ngon”. Bị bóc mẽ, đám quản giáo ngồi canh cay cú hét lên: “Chị không được nói những điều ấy ở đây”. Chẳng ngờ bị Quỳnh bóc tiếp: “Tôi có quyền nói”.
Không bịt miệng được Quỳnh thì họ đe sẽ dừng cuộc gặp thân nhân lại (và hàm ý là lần sau sẽ không cho gặp tiếp), nhưng Quỳnh cũng chẳng mảy may sợ hãi. Công an lại thất bại cay đắng.
* **
Có lẽ không giới nào trong xã hội thể hiện được đầy đủ cái hèn của cộng sản hơn công an.
Hình dung bạn là một blogger. Khi thấy có bất công xã hội, bạn bức xúc và muốn nói gì đó, làm gì đó. Bạn đi biểu tình, liền bị công an bắt, đánh, cướp đồ, quy cho bạn tội gây rối trật tự công cộng và đè bạn ra phạt tiền. Bạn viết báo – chẳng báo nào đăng cho bạn, vì báo đài là quốc doanh hết cả rồi. Bạn viết blog hoặc Facebook. Trang blog của bạn, nếu có chút ảnh hưởng, lập tức sẽ bị công an cho chặn tường lửa, hoặc nếu là trang Facebook thì sẽ bị dư luận viên lợi dụng thuật toán sơ hở của Facebook để báo cáo đánh sập. Cùng lúc đó thì chúng vẫn không ngừng “tuyên truyền” rằng ba cái bài viết lăng nhăng của bạn thì ai mà quan tâm, bạn hay những người như bạn chỉ là một thiểu số hằn học, bất mãn, chẳng được ai chú ý. (Viết lách vớ vẩn, không được quan tâm chú ý gì nhưng vẫn bị chặn tường lửa mới kỳ).
Nếu bạn bướng quá, nhất định không khuất phục mà lại còn có xu hướng khiến cho người khác cũng bướng theo mình, thì công an sẽ kiếm cớ bắt bạn (gọi là “làm án”), tống bạn vào tù. Bạn ngồi tù rồi vẫn không yên, công an sẽ liên tục ép bạn viết đơn nhận tội, quay clip nhận tội, xin đi tị nạn. Nếu bạn bướng nữa thì công an sẽ “thi hành kỷ luật”, cắt thăm gặp, cùm chân, biệt giam này nọ (chúng gọi là “giam bóc tách”). Nếu bạn tuyệt thực thì chúng vừa bố trí máy quay và nhân sự (“rích”) để rình xem bạn chịu thua chúng lúc nào, vừa quang quác “làm truyền thông” rằng bạn có tuyệt thực đâu, ăn trở lại rồi v.v. Lưu ý rằng chúng làm những điều ấy khi bạn vẫn đang ngồi tù, nghĩa là hoàn toàn ở trong tay chúng, một mình bạn đương đầu với cả đàn công an, quản giáo.
Không thể không thốt lên: Quả là không có giới hạn nào cho cái sự hèn hạ của công an – lực lượng bảo vệ và đồng thời cũng là đại diện xuất sắc của nhà nước cộng sản.
Chương VI
VẬN ĐỘNG
Chương VI giới thiệu với các bạn một hoạt động chính trị phổ biến ở các nước trên thế giới: vận động quốc tế. Riêng với các bạn đọc có người thân là tù nhân lương tâm, tù chính trị, chương này sẽ hướng dẫn các bạn những nguyên tắc căn bản để vận động cho người thân của mình.
** *
- Vận động là gì?
Có thể bạn đã từng nghe câu này: “Chính trị là nghệ thuật vận động”. Nói cách khác, vận động là một hình thức hoạt động chính trị phổ biến. Nó là việc tác động lên quá trình hoạch định chính sách bằng cách gặp gỡ, tiếp xúc, cung cấp thông tin, thuyết phục. 7
Riêng trong lĩnh vực nhân quyền, vận động là hoạt động nhằm thu hút sự chú ý về một vấn đề nào đó (ví dụ: tình trạng sử dụng quá nhiều túi nylon), thúc đẩy một giá trị nào đó (ví dụ: cổ xúy bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử), hoặc bảo vệ một con người cụ thể nào đó (ví dụ: vận động trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, vận động xóa án tử hình đối với những người bị kết án oan Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải…).
Chương sách này tập trung vào việc vận động cho tù nhân lương tâm.
Vận động cho tù nhân lương tâm là tất cả những hoạt động để thu hút sự chú ý của các bên liên quan (truyền thông, công chúng, chính quyền, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế) hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ các tù nhân lương tâm đó.
- Tại sao nên vận động cho tù nhân lương tâm?
Việc vận động cho một tù nhân lương tâm có ba mục đích chính:
Mục đích thứ nhất, thấp nhất, là bảo đảm cho tù nhân lương tâm đó được đối xử tốt trong tù. Tốt theo nghĩa: Không bị ngược đãi, tra tấn, bỏ đói; quyền lợi được bảo đảm theo pháp luật.
Mục đích thứ hai, cao hơn, là thu hút sự chú ý của công chúng đối với tù nhân lương tâm ấy, để họ và gia đình của họ không cảm thấy mình bị cô lập, bị bỏ lại phía sau mà luôn là một phần của phong trào dân chủ, của công cuộc đấu tranh nhằm thay đổi xã hội, thậm chí là một phần trong tương lai của đất nước.
Mục đích thứ ba là vận động cho tù nhân lương tâm đó được trả tự do. Bởi vì về bản chất, tù nhân lương tâm là người vô tội, họ bị bỏ tù chỉ vì đã thực hiện những quyền căn bản của mình. Cho nên, họ phải được tự do.
Việc vận động chia thành hai mảng chính: Vận động trong nước và vận động quốc tế.
III. Vận động trong nước
Vận động trong nước gắn chặt với hoạt động truyền thông. Nó bắt đầu ngay từ thời điểm người thân của bạn bị bắt. Khi ấy, việc đầu tiên bạn cần làm là loan báo sự việc lên mạng xã hội và liên lạc với những người hoạt động nhân quyền trong nước, sao cho thông tin về vụ bắt giữ được lan truyền càng rộng càng tốt.
Tiếp theo là tìm hiểu các vấn đề pháp luật về quyền lợi của người bị tạm giữ, tạm giam, và bắt đầu thực hiện các hoạt động vận động: Trực tiếp tiếp xúc các cơ quan công quyền để đòi hỏi quyền thăm gặp, gửi nhu yếu phẩm (đồ ăn, quần áo, chăn màn, sách…) và thực hiện khiếu nại, tố cáo trong trường hợp các quyền của người thân trong tù, các quyền có liên quan của bạn không được đáp ứng.