Thưa quý thính giả,
Phạm Đoan Trang là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ. Trong nhiều tác phẩm đấu tranh của cô chúng tôi đã chọn cuốn” Cẩm nang nuôi tù” để giới thiệu với thính giả vì nó rất cần thiết cho rất nhiều gia đình có thân nhân đang bị bạo quyền cầm tù. Hơn nữa làn sóng bắt bớ vẫn đang lan rộng nên sẽ có nhiều người sẽ phải ở trong thân phận” nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
Sau đây mời quý thính giả theo dõi phần tiếp theo của Cẩm Nang Nuôi Tù sẽ do Bảo Trân trình bày để tiếp nối chương trình PTĐLSN tối nay.
CẨM NANG NUÔI TÙ(Tiếp)
Phạm Đoan Trang
Sau đây là một vài cách mà gia đình có thể làm để chống lại việc dư luận viên bôi nhọ, miệt thị người thân đang bị tù của mình:
– Phớt lờ mọi lời bôi nhọ: Nhiều khi phản ứng lại lời bôi nhọ lại khiến nó gây chú ý hơn, lan rộng hơn. Vì thế, bạn có thể cân nhắc xem ảnh hưởng ban đầu của nó có lớn không, có đáng để bạn phải phản ứng lại không. Tránh để mất thì giờ và năng lượng vào chuyện nhỏ nhặt, chẳng ai quan tâm. Chú ý là nếu đã chủ trương phớt lờ thì phải phớt lờ tuyệt đối, không đả động tới nó ở bất kỳ đâu, để dư luận tự lắng dần.
Nếu thấy dứt khoát phải có phản ứng, không thể phớt lờ, thì bạn:
– Thông tin đến bạn bè, họ hàng, láng giềng, những người ủng hộ…, bác bỏ mọi lời vu khống, nói rõ sự thật cho họ biết. Nhờ họ lên tiếng giúp nếu thật sự cần thiết.
– Viết bài làm rõ sự việc, phản bác mọi lời bôi nhọ. Đăng bài trên blog và/hoặc Facebook cá nhân. Nhờ mọi người (bạn bè, người ủng hộ, các “hot facebooker”…) chia sẻ, đăng tải lại.
– Phản bác lại lời vu cáo, bôi nhọ tại chính các trang mạng đăng tải lời vu cáo, bôi nhọ đó. Để khỏi sa vào tranh cãi với dư luận viên thì bạn nên nhờ những người khác làm giúp việc này.
– Trong trường hợp dư luận viên phát tán truyền đơn, tờ rơi để bôi nhọ, bạn có thể in và nhờ người phát hành truyền đơn, tờ rơi tại đúng các địa điểm mà dư luận viên tung tài liệu.
– Tham vấn luật sư cách xử lý (khiếu nại, tố cáo, kiện).
-Nếu bạn biết kẻ bôi nhỏ đó là ai thì có thể cân nhắc trao đổi trực tiếp với kẻ đó để làm rõ sự việc, thương lượng… (Nếu bạn không muốn gặp thì thôi, cũng không sao). Sau đó, nếu không thành công, sẽ tìm các giải pháp khác thích hợp hơn để xử lý.
Tránh để mất thì giờ và năng lượng vào chuyện nhỏ nhặt, vốn chẳng ai quan tâm. Tránh sa vào tranh cãi, đôi co với dư luận viên, vừa mất thời gian, hao tổn công sức (đúng ý chúng) vừa hạ thấp tầm của bạn và người thân đang ở tù. Nếu nhất thiết phải tranh luận (thực chất là cãi nhau với dư luận viên), bạn có thể nhờ người khác phù hợp hơn.
- Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về làm truyền thông.
- Tại sao cùng là tù nhân lương tâm nhưng có những người được dư luận quan tâm hơn hẳn những người khác, như blogger Mẹ Nấm, luật sư Nguyễn Văn Đài?
Do một số nguyên nhân, chẳng hạn bản thân tù nhân lương tâm đó đã có tiếng từ trước khi bị bắt. Khi ấy, việc họ bị bắt đương nhiên là một sự kiện lớn và sẽ được giới truyền thông quan tâm đưa tin. Không có ai đáng trách ở đây cả: Công chúng luôn quan tâm đến những người nổi tiếng, và báo chí thì phải chiều công chúng.
Một nguyên nhân quan trọng khác là sự chủ động làm truyền thông, cộng với kỹ năng làm truyền thông của chính gia đình, đồng đội, tổ chức của họ. Nếu chủ động nhưng không biết cách làm truyền thông thì cũng chẳng có mấy tác dụng.
- Người nhà tôi viết blog, bị bắt đi tù mà chẳng ai biết đến. Gia đình tôi lại ở địa phương, vùng quê nghèo, dân trí thấp và công an thì tàn ác. Tôi phải làm gì?
Bạn có thể chủ động làm truyền thông và rất nên kết nối với những nhà hoạt động nhân quyền, các tổ chức nhân quyền ở các địa phương khác như Hà Nội, Sài Gòn. Nhờ họ giúp làm truyền thông, nhờ họ chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, v.v. Nhưng ít nhất, bạn phải chủ động cung cấp thông tin thì họ mới đưa tin, viết bài, làm clip… về trường hợp người thân của bạn được.
Nhiều nhà hoạt động sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn rất nhiệt tình. Tất nhiên cũng sẽ có những kẻ cơ hội muốn lợi dụng, lừa đảo bạn và bạn phải đủ tỉnh táo, sáng suốt để phân biệt tốt xấu, đánh giá người ngay kẻ gian.
- Tôi cứ viết gì trên Facebook là lập tức công an đến nhà đe dọa, thẩm vấn này nọ. Tôi phải làm sao?
Điều đầu tiên là những gì bạn viết phải đúng sự thật, đó là một trong những cách bảo vệ bạn.
Tiếp theo là chuyện bạn có công nhận Facebook đó là của bạn hay không. Vấn đề này đã được thảo luận rất nhiều trong giới hoạt động nhân quyền lâu nay. Nhận hay không nhận là tùy bạn, nhưng bạn nên nhớ rằng việc công an sách nhiễu, hoạnh họe, thẩm vấn và đe dọa bạn vì những gì bạn viết trên mạng đã là hành động vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền trắng trợn. Bạn không nên tiếp tay cho sự vi phạm đó.
- Tôi có nên ký nhận mình là tác giả các bài viết mà công an in ra trong quá trình thẩm vấn không? (Tôi đúng là tác giả).
Không. Xin nhấn mạnh: Bạn không nên ký vào bất cứ cái gì, chỉ trừ phi bạn chắc chắn được là việc ký tên có lợi cho mình. Đặc biệt, bạn không nên ký vào các tài liệu do công an lấy từ trên mạng xuống, đưa cho bạn đọc và bắt ký xác nhận.
Bạn cứ việc từ chối ký, không cần giải thích. Còn nếu bạn thấy buộc phải giải thích thì hãy nói rõ: Một là bản thân hành động bắt (“mời”) ai đó về đồn để ép ký xác nhận cái gì đó theo ý công an đã là sai phạm, bạn không thể đồng lõa, tiếp tay. Hai là, người lấy bài viết ra từ mạng, in và đưa cho bạn đọc, đều là công an, thì công an mới phải ký xác nhận chứ tại sao lại là bạn?
Kể cả khi công an in bài từ máy tính của bạn ra cũng vậy. Khi đó máy tính của bạn đang do công an kiểm soát, lấy gì bảo đảm họ không nhét vào máy bạn những tài liệu do họ tạo ra?
- Người thân của tôi bị kết tội khủng bố, và thực sự có hành vi phạm tội là mua vũ khí, đạn dược về để tấn công một số cơ quan nhà nước. Gia đình có làm truyền thông về trường hợp này được không?
Có một thực tế là trong những vụ việc như vậy, rất khó làm truyền thông để xây dựng hình ảnh. Dư luận nói chung không ủng hộ những người chủ trương hoạt động bạo lực, hay khủng bố chống lại dân thường.
Khi đó, cách xử lý là bạn vẫn theo dõi tiến trình tố tụng, để làm truyền thông theo hướng giám sát quy trình tố tụng và bảo vệ các quyền con người căn bản của người bị bắt. Ví dụ như xem người thân có bị tra tấn không, có được xét xử trong thời hạn quy định của pháp luật không hay là bị “om” mãi không xử… và bạn đưa tin về những chuyện đó.
Nếu bạn không làm như thế thì rất có thể sẽ nguy hiểm cho người thân đang bị giam của bạn, bởi vì với các tội như vậy, cơ quan tố tụng rất dễ mạnh tay với bị can, bị cáo.
- Có khi nào những thông tin giới truyền thông công bố ở bên ngoài lại bị công an dùng làm bằng chứng để buộc tội người trong đồn hay trong tù không?
Không. Nếu có thì công an chỉ dùng những thông tin đó để đe dọa người bị bắt, theo kiểu “bên ngoài người ta tố anh/chị ầm ầm đây này, còn chối gì nữa”. Nói chung, công an không dựa vào thông tin do giới truyền thông tung ra để mà ghép tội người bị bắt, mà bắt hay định tội đều dựa theo bằng chứng, mục đích của công an, và đặc biệt, nhiều khi do chủ trương ở “trên”, tức là do động cơ chính trị nào đó.