Bàn ngang tán dọc: Câu Chuyện Hồ Duy Hải

Vụ án Hồ Duy Hải và mạng xã hội ở Việt Nam

      BNTDoc22052020bis

Sự kiện: Vụ án Hồ Duy Hải vẫn là đề tài đang được bà con bàn tán nhiều tại VN, bên cạnh đó một chuyện khác có liên hệ xa gần ít đươc nói đến đó là ảnh hưởng của mạng xã hội. 

Kịch Bản

MN– Chào anh BC và anh HS, hôm nay nhiều dịch vụ đã được mở cửa sinh hoạt trở lại, thế hai anh có đi làm lại chưa, chứ cứ ngồi ở nhà suốt ngày coi TV cũng mệt, nhất là khi xem thấy những tin không vui ở quê nhà VN.

BC– Chào MN, chưa đâu MN, tuy mở cửa, nhưng phải tuân thủ các điều kiện của chính quyền các cấp đưa ra để bảo đảm an toàn cho mọi người chứ. Cái dịch bệnh này dễ lây nhiễm, lại nhiều người chẳng có triệu chứng gì thì làm sao biết mà tránh. Thôi, thà chậm mà chắc thì hơn.

HS– Đúng vậy, HS vẫn ngồi nhà xem TV, hát cải lương, lại có tiền thất nghiệp để xài, nên chẳng vội vàng gì. Có điều không vui khi xem tin tức từ VN như MN nói. Nhất là cái vụ án Hồ Duy Hải, cái gọi là tóa án tối cao tối thấp gì đấy, mà nó gọi là “giám đốc thẩm”, xem chẳng ra cái thể thống gì cả, nay thì đang bị người dân cả nước xỉ vả. Chắc anh BC và MN có theo dõi chứ?

MN– À, cái vụ Hồ Duy Hải đầu đuôi câu chuyện thế nào hả hai anh, mà đang gây sóng gió dữ dội vậy?

BC– Cứ theo các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau ở Việt Nam, thì đây có lẽ là một vụ án vì tình, vì ghen tuông mà hai nữ nhân viên làm việc ở một bưu trạm nhỏ ở Cầu Voi thuộc tỉnh Long An xảy ra vào tối ngày 13/1/2008, tại đây 2 nữ nhân viên bưu điện đã bị giết. Rồi hơn hai tháng sau, Hồ Duy Hải bị bắt và bị khép vào tội cướp của và giết người, nên trong cả 2 phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, Hải bị kết án tử hình. Gia đình Hải kêu oan và được tạm hoãn thi hành án do Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang can thiệp. Vụ việc kéo dài đến hôm nay là như vậy.

MN– Một vụ án mạng như thế, chắc phải có nhiều tình tiết ly kỳ lắm, nếu như ở Mỹ này mình có thể vào đọc hồ sơ ở tòa án thì biết rõ, còn ở VN lại chỉ nghe thấy trên các mạng xã hội thôi, chứ báo đài của nhà nước thì chẳng đáng tin cậy tí nào.

HS – Đúng vậy, nhưng cần phải nói thêm là sở dĩ vụ việc bùng lên trở lại là sau hơn 7 năm kêu oan, vụ án được tòa án tối cao của VN gọi là “Giám đốc thẩm” xem xét lại theo kiến nghị của Viện Kiểm Sát Tối Cao. Nhưng sau 3 ngày tái xét, hôm 8/5/2020 tòa án tối cao gồm 17 thẩm phán, tất cả đều đồng thanh quyết định phủ nhận kiến nghị của VKS, và cho rằng cả 2 phiên sơ thẩm và phúc thẩm đều xử đúng người đúng tội, nên y án tử hình cho Hồ Duy Hải. Điều này làm nhiều người thất vọng, nhất là giới luật gia.

MN– MN không hiểu rõ hệ thống tư pháp ở VN tổ chức thế nào, nhưng nghe nhắc nhiều đến ông thẩm phán Nguyễn Hòa Bình, vậy sự liên hệ ra sao trong vụ án này, hai anh biết không?

BC – À, theo các thông tin thì vai trò của ông Nguyễn Hoa Bình trong vụ án HDH rất đặc biết, đó cũng là lý do khiến dư luận không còn tin tưởng vào hệ thống tư pháp ở  VN nữa, vì  thiếu tính khách quan, bởi khi Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình lúc xảy  ra vụ án năm 2008, thì ông là phó tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, đến khi ra quyết định không kháng nghị vụ án thì ông Bình là Viện Trưởng Viện KSND Tối Cao và khi xét xử Giám Đốc thẩm ông lại ngồi ghế chủ tọa, cứ coi như chánh an đi. Một người đóng ba vai trò liên tiếp như thế trong cùng một vụ án thì làm sao có được một quyết định khách quan!

MN– À thì ra thế, khiến dư luận nhắm vào ông này. Thế tại sao người ta không giao vụ án cho một thẩm phán khác xét xử thì hay hơn không. Chắc ông Bình có mối liên hệ với các quan chức lớn khác chứ gì. Trong các chế độ độc tài thì họ chẳng thèm để ý đến dư luận của người dân, coi người dân là ngu xi dốt nát cả, nay thì họ lúng túng trước dư luận chăng?!.

HS – Mối liên hệ thế nào thì mình không rõ, nhưng có một điều không thể phủ nhận được là nhờ vào các mạng xã hội như Facebook, youtube…. mà người dân đã theo dõi kỹ từng lời nói việc làm của các quan chức nhà nước CS, rồi nêu ra những sai sót, những khuất tất trong vụ án, ngay cả một số ông bà đại biểu quốc hội VN cũng dùng các phương tiện này để nếu quan điểm và bình luận về vụ án. Rõ ràng đây là một nghịch lý ở VN hiện nay.

BC– Anh HS nói đúng, một mặt nhà nước ra Luật An Ninh Mạng để theo dõi cấm đoán người dân sử dụng các mạng xã hội để bày tỏ ý kiến, trao đổi thông tin, ai có ý kiến trái với nhà nước thì bị chụp mũ là tuyên truyền là chống phá đảng và nhà nước, bị kết án nặng nề. Nhưng trong vụ án HDH này cho thấy vai trò của các mạng xã hội tại VN đã đóng góp rất lớn vào việc thông tin khiến đảng và nước độc tài phải lúng túng, để xem họ sẽ sử trí thế nào với các quan chức sử dụng các phương tiện truyền thông này.

MN– Qua vụ việc này, MN có một ý kiến nêu ra ở đây xem hai anh nghĩ thế nào. Từ hai năm qua đã có hàng chục nạn nhân ở VN phải vào tù vì sử dụng mạng xã hội khi nêu lên những suy nghĩ của mình trái với ý của đảng và nhà nước CSVN như hai anh vừa nói. Theo MN biết thì hiện nay có đến 60 triệu người VN sử dụng FB. Sở dĩ một số ít người bị bắt khi đưa các thông tin trái ý nhà nước này, nhưng giả như bây giờ có hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người cùng lúc đưa cùng đưa thông tin, cùng bình luận của mình theo đúng điều 25 của bản Hiến Pháp VN về quyền tự do ngôn luận, thì làm sao nhà nước có đủ nhà tù để nhốt cả triệu người được. Thay vì phải xuống đường biểu tình, thì đồng loạt biểu tình trên mạng xã hội với hàng triệu, hàng chục triệu người một lúc chắc sẽ tạo ra một cơn chấn động lớn cho mà xem. Hai anh nghĩ sao?

HS – Hay, ý kiến độc đáo, nhưng chắc chắn cũng phải có một ít người chịu hy sinh, dám chấp nhận vượt qua sự sợ hãi khi đưa ra lời kêu gọi để nhiều người cùng hưởng ứng chứ.

BC– BC hoan nghênh ý kiến của MN, khi có đông người đồng lòng thì không còn thấy cô đơn, và nhà nước có muốn đàn áp cũng không thể làm được. Hy vọng bà con ta ở VNnghe được ý kiến này thì hay biết mấy. Vậy chúng ta hãy chờ xem.

MN – Nhưng mình cũng nên nhắc lại ý kiến này và hỗ trợ bà con trong nước nhiều hơn nữa chứ.

HS – Chắc chắn rồi…..

You May Also Like