Chuyện Nước Non Mình: Cẩm Nang Nuôi Tù

Thưa quý thính giả, như tin đã loan, nhà báo Phạm Đoan Trang vừa được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới trao tặng giải thưởng Tự Do Báo Chí Năm 2019. Trong nhiều năm qua cô đã xuất bản nhiều quyển sách giá trị, đóng góp không nhỏ cho công cuộc đấu tranh của toàn dân như: “Chính Trị Bình Dân”, “Phản Kháng Phi Bạo Lực”, và mới đây nhất là cuốn “Cẩm Nang Nuôi Tù”… Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN trích đoạn một chương trong phần đầu của cuốn  “Cẩm Nang Nuôi Tù”, mục “Dỗ Dành, Đe Dọa, Sách Nhiễu”  sẽ được Tâm Anh trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

      CNNMinh13092019bis
  1. Dỗ dành, đe dọa, sách nhiễu…

Nguyên tắc của những người cộng sản là “xây dựng thế trận nhân dân” để chống lại kẻ thù, kiểu: Mỗi tấc đất là một chiến hào, mỗi người dân là một chiến sĩ.

Khi bạn hoặc người thân của bạn tham gia các hoạt động dân chủ-nhân quyền, tất nhiên các bạn sẽ bị công an coi như kẻ thù (thuật ngữ của ngành là “đối tượng”). Khi các bạn đã trở thành đối tượng, công an sẽ “xây dựng thế trận nhân dân”, lôi kéo, vận động tất cả những người xung quanh cô lập bạn, hợp tác với công an để cung cấp thông tin về bạn, chống lại bạn.

Trong số những người bị lôi kéo, vận động, thì đầu bảng là thân nhân trong gia đình, họ hàng, hàng xóm láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp. Hàng xóm, do ở gần nhà bạn, nên sẽ được “ưu tiên” tận dụng triệt để. Bạn sẽ thấy một số dấu hiệu như:

– Một số người hàng xóm đột nhiên tỏ ra thân tình và quan tâm đến gia đình bạn.

– Có thể sẽ có một số ông/ bà hàng xóm tự nhiên “rảnh rỗi” sang nhà bạn chơi, hỏi han đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, trong câu chuyện vu vơ sẽ xen vào một vài câu mang tính dò xét.

– Hàng xóm có thể đưa ra những lời khuyên can như kiểu họ đang cố giúp đỡ gia đình bạn thoát khỏi những rắc rối sắp xảy ra.

Những người hàng xóm này thông thường là tổ trưởng dân phố, tổ trưởng phụ nữ hay thành viên Mặt trận Tổ quốc, cựu chiến binh, cán bộ công chức hưu trí…

Những điều họ hỏi có thể chẳng có gì quan trọng, nhưng: Thứ nhất, đó là một nguồn thông tin cho công an. Thứ hai, sự hỏi han đó gây khó chịu, tạo cho bạn và gia đình bạn cảm giác bất an, cảm giác đang bị rình mò, soi xét. Chưa kể, nếu không tỉnh táo sáng suốt, bạn sẽ thấy bối rối, hoang mang và chắc chắn sẽ bị họ dẫn dụ, thuyết phục.

Nhớ rằng: Dụ dỗ, tỉ tê đường mật là nghiệp vụ của công an; mà đe dọa, khủng bố, đánh đập cũng là nghiệp vụ của công an. Bất kỳ nhân viên công an nào cũng có thể vào cả hai vai này, tùy sự phân công. Cho nên, không vì thấy công an “lịch sự, nhỏ nhẹ, có học” mà tin tưởng, cũng không vì thấy công an hăm dọa “hậu quả xấu sẽ đến” mà sợ hãi.

Luôn tin người thân của bạn đang làm điều đúng, bởi vì thúc đẩy, cổ xúy dân chủ, nhân quyền là việc làm tốt đẹp và chỉ những kẻ tìm cách ngăn chặn điều đó mới là kẻ xấu. Hãy tin tưởng người thân và để cho công an thấy rõ niềm tin ấy – khi đó bọn họ sẽ không cố tìm cách “cảm hóa, thuyết phục” hay răn đe bạn nữa.

Phạm Đoan Trang

(Trích trong Cẩm Nang Nuôi Tù do nhà xuất bản Tự Do ấn hành)

You May Also Like