Tin Tức: Thứ Sáu, ngày 06 tháng 09 năm 2019

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Hoàng Ân Bá Cơ trình bày sau đây.

      TinTuc06092019bis

CHIẾN HẠM TRUNG CỘNG RỜI BÃI TƯ CHÍNH

Các hình ảnh vệ tinh vào hôm qua, thứ Năm 5/9, cho thấy là các chiến hạm Trung Cộng lần lượt rời khỏi Bãi Tư Chính, nhưng chưa biết là vì lý do gì.

Theo nguồn tin của nhóm quan sát diễn biến ở Biển Đông, vào hai ngày trước, đoàn tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Cộng đã rời Bãi Tư Chính, tiến về đảo Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa, nhưng một tàu hải cảnh vẫn lảng vảng quanh lô dầu 06-01 của Việt Nam. Đến sáng hôm qua thì chiếc tàu này cũng rời đi, hiện chỉ còn một số tàu hải cảnh Việt Nam vẫn hiện diện quanh giàn khoan Hakuru-5 của tập đoàn Nga Rosneft ở lô dầu 06-01.

Vì chưa hiểu được nguyên nhân của việc rút lui, giới quan sát viên không thể khẳng định là Trung Cộng thật sự từ bỏ cuộc tranh chấp chủ quyền ở Bãi Tư Chính. Lý do là đoàn tàu Hải Dương 8 từng rút lui đến đảo Đá Chữ Thập vào ngày 7/8 nhưng năm ngày sau đã quay trở lại.

Một nguồn tin cũng cho biết thêm là chiếc tàu cẩu khổng lồ Lam Kình của Trung Cộng cũng rời khỏi hải phận Việt Nam và tiến về tỉnh Quảng Đông.

MIỀN TRUNG VIỆT NAM CHÌM TRONG BIỂN NƯỚC, HƠN 15 NGÀN CĂN NHÀ NGẬP SÂU

Hơn 15 ngàn căn nhà ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đã bị ngập sâu trong nước, có nơi cao hơn cả mái nhà.

Tính đến chiều hôm qua, thứ Năm 5/9, hàng chục ngàn gia đình đã phải di tản tránh lụt, hơn 12 ngàn mẫu lúa, hoa màu và cây ăn trái bị hủy diệt và hơn 900 trường học phải đóng cửa vì chìm sâu trong nước.

Hà Tĩnh và Quảng Bình là hai tỉnh bị thiên tai nặng nhất. Mực nước sông Gianh dâng quá nhanh đã khiến nhiều làng mạc của huyện Tuyên Hóa ngập nặng, nhiều xã bị chìm sâu với mực nước cao bằng nóc nhà.  Quốc lộ 1 ở Hà Tĩnh cũng ngập cả thước, khiến giao thông bắc – nam bị đứt đoạn ở nhiều nơi.

Một chiếc tàu cá trên đường ra khơi đã bất ngờ bị chìm ở cửa sông Gianh vào trưa hôm qua khiến 6 ngư dân mất tích, 5 ngư dân lênh đênh trên biển trước khi được cứu vớt.

BỘ GIAO THÔNG VIỆT NAM CƯƠNG QUYẾT GIỮ NGUYÊN TRẠM THU PHÍ RẠCH MIỄU

Vào hôm qua, bộ Giao thông Việt Nam đã bác bỏ đề nghị của nhà cầm quyền tỉnh Tiền Giang, với quyết định giữ nguyên sự hiện diện của trạm thu phí Rạch Miễu trên quốc lộ 60 thuộc xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho.

Trong quyết định, bộ GT nhấn mạnh là việc thực hiện dự án nâng cấp quốc lộ 60 và lập trạm thu phí là đúng theo quy định của pháp luật và “có sự đồng thuận của địa phương”.

Trong thời gian qua, tại khu vực quanh trạm này thường xuyên diễn ra tình trạng các xe đò băng qua cầu, thả khách trước trạm Rạch Miễu rồi quay đầu trở về để tránh trả lộ phí. Điều này gây ra tình trạng kẹt xe và tai nạn giao thông trên cầu Rạch Miễu, một tuyến đường vốn thường kẹt xe trầm trọng, đặc biệt là vào các ngày lễ tết.

Đổ thừa cho giới tài xế xe đò là không tuân thủ giao thông, kèm với quyết định nói trên, bộ giao thông ra lệnh cho giới công an Tiền Giang phải phạt những tài xế nói trên.

TÊN CÁC CÔNG TY TRÚNG THẦU DỰ ÁN CAO TỐC BẮC – NAM ĐƯỢC GIỮ BÍ MẬT

Trả lời câu hỏi của báo chí vào hôm thứ Tư 4/9, ông Nguyễn Ngọc Đông, thứ trưởng bộ Giao thông Việt Nam, tuyên bố là không thể tiết lộ tên tuổi các nhà thầu đã lọt vòng sơ tuyển dự án cao tốc bắc – nam, vì đây là “bí mật quốc gia”.

Trong nhiều tháng qua, dư luận Việt Nam liên tục yêu cầu giới lãnh đạo không nên giao dự án quan trọng này cho các công ty Trung Cộng vì nhiều lý do, đặc biệt là khả năng yếu kém và dùng vật liệu kém chất lượng trong việc xây dựng của các  nhà thầu Trung Cộng, mà điển hình là dự án xe điện Cát Linh – Hà Đông xây hơn 10 năm vẫn chưa xong, dù liên tục đội vốn ban đầu lên khá cao.

Theo tiết lộ của báo chí lề đảng, 51 công ty Trung Cộng đã nạp hồ sơ đấu thầu, trong khi chỉ có 31 công ty ngoại quốc khác muốn tham gia dự án cao tốc nối liền bắc – nam.

NƯỚC ÚC KHÔNG THÔNG QUA CÁC LÔ HÀNG HẢI SẢN VIỆT NAM CÓ CHẤT ĐỘC HẠI

Bộ Nông nghiệp Úc vừa phát giác nhiều lô hàng hải sản Việt Nam có chứa chất cấm, buộc các chủ nhân phải tiêu hủy hoặc mang trở về Việt Nam.

Các lô hàng độc hại này bị phát giác vào tháng 7 vừa qua, trong đó có hai thùng thịt cua và nghêu sò. Phía Úc đã yêu cầu công ty nhập cảng các lô hàng này phải tiêu hủy hoặc trả trở về Việt Nam dưới sự giám sát của giới hữu trách. Đồng thời các lô hàng sắp tới sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt.

Trong một diễn biến khác, bộ Công thương Việt Nam lên tiếng cảnh báo là một số sản phẩm Việt có nguy cơ bị Hoa Kỳ, Canada và khối Âu châu mở cuộc điều tra vì có hàm lượng hóa chất độc hại quá cao, hoặc có xuất xứ từ Trung Cộng nhưng đội lốt sản xuất tại Việt Nam.

THÉP VIỆT BỊ MÃ LAI TĂNG THUẾ VÀ NAM DƯƠNG MỞ CUỘC ĐIỀU TRA

Chính phủ Mã Lai sẽ đánh thuế bán phá giá từ 3 đến 13% đối với loại thép cuộn và hợp kim của Việt Nam, đồng thời chính phủ Nam Dương quyết định mở cuộc điều tra về cáo buộc là các loại tôn mạ của Việt Nam đang bán phá giá tại nước này.

Theo loan báo của bộ Công thương Việt Nam vào hôm thứ Năm 5/9, bộ Thương mại Mã Lai sẽ chính thức đánh thuế đối với thép Việt kể từ ngày 26/8, với thời hạn là 3 tháng. Các công ty Việt Nam có quyền đệ đơn khiếu nại trước ngày 13/9.

Trong khi đó, Uỷ ban Chống bán Phá giá Nam Dương đã quyết định mở cuộc điều tra về việc tôn mạ Việt Nam đang bán phá giá trên thị trường nước này.

MỸ SẼ ÁP DỤNG CHẾ TÀI NƯỚC NÀO TIẾP TẾ NHIÊN LIỆU CHO TÀU IRAN

Ngày 5/9, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ra khuyến cáo bất kỳ ai trên thế giới tiếp nhiên liệu cho các con tàu Iran đã bị Mỹ đưa vào ‘sổ bìa đen’ sẽ đối mặt với nguy cơ bị đưa vào chung danh sách đó.

Như tin đã loan, con tàu Adrian Darya của Iran đã bị Mỹ liệt vào danh sách đen sau khi bị chính phủ Anh bắt giữ ngoài khơi Gibraltar vào tháng 7 vì bị tình nghi chở dầu Iran tới Syria, vi phạm chế tài của EU. Đây là con tàu gây ra cuộc đối đầu giữa Washington với Tehran hồi cuối tháng 8.

Washington cảnh báo sẽ xem bất cứ sự hỗ trợ nào đối với con tàu này là hành động hỗ trợ khủng bố của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad.

You May Also Like