Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân và Đồng Tâm trình bày sau đây.
THỦ TƯỚNG VIỆT NAM LÊN TIẾNG VỀ VỤ BÃI TƯ CHÍNH
Hơn 2 tháng giữ im lặng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một trong 3 quan chức cao cấp nhất của Việt Nam, vào hôm qua đã lên tiếng về tình hình Biển Đông, nhưng không dám nêu tên Trung Cộng trong phát biểu của mình.
Trong cuộc họp nội các vào hôm qua, thứ Tư 4/9, ông Phúc cho biết là phía Việt Nam đã kiên trì đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hành động xâm phạm hải phận của nước ngoài, nhưng không nói rõ các vi phạm này là ở đâu và do ai.
Đây là lần đầu tiên, một trong “tam trụ triều đình CSVN” đề cập đến tình hình Biển Đông kề từ khi Trung Cộng đưa đoàn tàu khảo sát Hải Dương 8 đến Bãi Tư Chính vào ngày 3/7 nhằm mục đích ngăn chặn các hoạt động khai thác dầu khí ngoại quốc được nhà nước Việt Nam cấp giấy phép. Vào tuần trước, đoàn tàu võ trang hùng hậu này đã tiến sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, chỉ cách tỉnh Bình Thuận khoảng 150 cây số.
TRUNG CỘNG PHÊ CHUẨN HIỆP ƯỚC DẪN ĐỘ VỚI VIỆT NAM
Quốc hội Trung Cộng vừa thông qua hiệp ước dẫn độ với Việt Nam được ký kết từ năm 2015, nội dung cho phép hai bên dẫn độ tội phạm về nước mình để xét xử hay thọ án.
Theo Tân Hoa Xã cho biết hai nước Việt – Hoa đã bắt đầu thảo luận về hiệp ước dẫn độ từ tháng 10 năm 2013, và đã ký kết vào tháng 4 năm 2015 tại Bắc Kinh. Tuy nhiên hiệp định này phải chờ quốc hội Trung Cộng thông qua mới có hiệu lực thi hành. Tân Hoa Xã cho biết thêm, tính đến cuối năm ngoái, Trung Cộng đã có hiệp ước dẫn độ với 50 quốc gia trên thế giới.
Điều đáng chú ý là trong khi Tân Hoa Xã loan tin nói trên, giới truyền thông lề đảng và bộ công an Việt Nam vào hôm qua không có tin nào về hiệp ước nói trên. Tuy nhiên trong mấy tháng qua, bộ công an Việt Nam đã chuyển giao hơn 500 tội phạm cho phía Trung Cộng. Đa số là dính líu đến các đường dây cờ bạc, ma túy và lừa đảo tại Việt Nam.
MIỀN TRUNG VIỆT: 11 NGƯỜI MẤT TÍCH VÌ BÃO KAJIKI
Tính đến chiều tối hôm qua, giới chức Việt Nam ghi nhận có 11 người mất tích khi cơn bão Kajiki tràn vào miền trung vào chiều thứ Ba 3/9.
Ba trong số 11 người mất tích là ngư dân Quảng Nam đi câu mực, 7 người dân Hà Tình đi hái lá rừng và một phụ nữ bị nước lũ cuốn trôi ở tỉnh Quảng Bình. Ngoài ra, hơn hai ngàn mẫu hoa màu và hàng chục căn nhà ở Hà Tĩnh cũng bị hư hại vì mưa to gió lớn.
Trong khi đó tại tỉnh Yên Bái, một vụ sạt lở đồi núi vào sáng thứ Tư 4/9 khiến một người chết và 3 người khác bị thương nặng. Tại tỉnh Lâm Đồng, một người đàn ông cũng bị nước cuốn trôi khi vào rừng đào măng.
Cũng vào hôm qua, nhà cầm quyền tỉnh Quảng Trị đã nhóm họp khẩn cấp để tìm biện pháp di tản hơn 11 ngàn người ra khỏi các vùng đất thấp sau khi lũ lụt nhấn chìm hàng ngàn căn nhà, với mực nước dâng cao đến nóc nhà.
VIETNAM AIRLINES ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP BAY THẲNG ĐẾN MỸ
Bộ Giao thông Hoa Kỳ vừa cấp giấy phép cho Vietnam Airlines được bay vào nước Mỹ, trở thành hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam được kinh doanh tuyến đường này.
Với việc cấp phép này, Vietnam Airlines được quyền vận chuyển hành khách, hàng hóa và thư từ giữa hai nước. Theo giấy phép, hãng này sẽ mở các chuyến bay từ Hà Nội và Sài Gòn đến một số thành phố của Mỹ như Los Angeles, San Francisco, New York, Seattle và Dallas, nhưng phải sử dụng các trạm trung chuyển ở Đài Loan, Trung Cộng và Nhật Bản.
Lý do là muốn bay thẳng đến Mỹ mà không cần tiếp thêm nhiên liệu, Vietnam Airlines phải có các máy bay hiện đại như Boeing 777X. Tuy nhiên Vietnam Airlines không có một máy bay nào có tầm xa như thế.
TRUNG CỘNG LÀM KHÓ, TRÁI CÂY VIỆT MẤT GIÁ THÊ THẢM
Vì Trung Cộng gây khó khăn và siết chặt kiểm soát, hàng loạt trái cây Việt Nam như dưa hấu, dừa xiêm và thanh long đang mất giá hơn 50%, và có thể mất giá thêm nữa trong thời gian tới.
Trong báo cáo về thị trường nông sản tháng 8 năm nay, bộ Nông nghiệp Việt Nam cho biết các loại trái cây trên đã sụt giá thê thảm. Điền hình như dưa hấu và thanh long chỉ có giá 6 ngàn đồng một ký, giảm một nửa so với tháng 7. Dừa xiêm từ 90 ngàn đồng một tá, giảm xuống còn 40 ngàn đồng.
Theo báo cáo với mức giá nói trên, giới nông dân Việt bị lỗ nặng. Điều đáng chú ý là trong khi trái cây không xuất cảng được thì lượng trái cây từ Trung Cộng và Thái Lan nhập về Việt Nam đã gia tăng mạnh, với tổng trị giá 1.5 tỷ Mỹ kim trong 8 tháng qua. Không chỉ có trái cây và rau quả, lượng hải sản như cá tôm cũng bị ứ đọng tại các tỉnh vì bị Trung Cộng làm khó.
PHILIPPINES GIA TĂNG MỨC THUẾ XI MĂNG NHẬP CẢNG TỪ VIỆT NAM
Phi Luật Tân vừa công bố mức thuế mới đối với xi măng nhập cảng, chủ yếu là từ Việt Nam, nhằm mục đích bảo vệ cho ngành sản xuất xi măng trong nước.
Nhu cầu sử dụng xi măng của Phi đang gia tăng mạnh sau khi chính phủ nước này đẩy mạnh chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng có tổng phí tổn đầu tư hơn 180 tỷ Mỹ kim. Trong vòng hai năm qua, nước Phi đã nhập cảng hơn 3 triệu tấn xi măng, trong đó, xi măng Việt Nam chiếm gần 75%.
Vào hôm thứ Ba 3/9, bộ Công thương Phi loan báo là mức thuế mới sẽ có hiệu lực thi hành sau hai tuần tới, theo đó thì mỗi tấn xi măng nhập cảng sẽ bị đóng thuế 250 peso, tức khoảng 5 Mỹ kim, trong năm đầu tiên. Các năm kế tiếp mức thuế này có thể hạ giảm tùy theo tình hình.
TỔNG ĐỐC HỒNG KÔNG TUYÊN BỐ HUỶ BỎ DỰ LUẬT DẪN ĐỘ
Trong bài diễn văn đọc trên truyền hình vào hôm thứ Tư 4/9, bà Carrie Lâm, tổng đốc Hồng Kông, tuyên bố huỷ bỏ dự luật dẫn độ, một dự luật đã dẫn đến làn sóng phản kháng mạnh mẽ tại Hồng Kông hơn 3 tháng qua.
Cần nhắc lại là vào tháng Sáu vừa, sau khi 2 triệu người dân Hồng Kông rầm rộ xuống đường, khiến cho bà Lâm phải tuyên bố rút lại dự luật này, nhưng không phải hủy bỏ.
Cũng trên truyền hình, bà Lâm loan báo là hai quan chức cao cấp sẽ tham gia cuộc điều tra về những hành vi đàn áp man rợ của cảnh sát đối với người biểu tình. Đây cũng là một yêu sách của người biểu tình.