Mở đầu chương trình, mời quý vị cùng theo dõi phần Tin Tức với Mỹ Linh và Bá Cơ.
1) THÊM MỘT SỐ TÀI XẾ SẼ BỊ TÙ VÌ PHẢN ĐỐI CÁC TRẠM THU PHÍ
Nguồn tin Dự án 88 trong nước đăng tải, vào ngày 30/7 tới đây, tài xế Hà Văn Nam và một số đồng nghiệp sẽ bị áp giải ra tòa để nhận án tù vì tham gia làn sóng phản đối các trạm lộ phí.
Theo tin trên, ông Nam và những người trong “Nhóm bạn Đường xa” bị cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” tại trạm lộ phí Phả Lại thuộc tỉnh Bắc Ninh. Phiên tòa vào ngày 30/7 sẽ được tổ chức tại một nơi cách xa trạm thu phí Phả Lại hơn 10 cây số và được gọi là phiên tòa lưu động, một hình thức đấu tối giống thời chiến dịch Cải cách ruộng đất nhằm răn đe những ai có ý định chống đối việc thu lộ phí.
Như tin đã loan, ông Hà Văn Nam bị công an Hà Nội bắt giam vào ngày 3/5 sau cuộc phản đối tại trạm Phả Lại vào ngày 31/12 năm ngoái. Ông Nam cũng bị công an đánh trọng thương vào ngày 28 tháng Giêng khi cùng một số tài xế khác mở cuộc phản đối tại trạm An Sương ở Sài Gòn.
Mới đây, vào hôm 15/7, ông Vũ Ngọc Hoàng, một trong những tài xế tham gia cuộc phản đối này, đã bị tòa án thành Hồ kết án 18 tháng tù với cáo buộc “phá hoại tài sản của người khác”.
2) GIỚI QUAN CHỨC PHẢI THI NGOẠI NGỮ KHI NẮM GIỮ CÁC GHẾ LÃNH ĐẠO
Bộ nội vụ Việt Nam vừa công bố quy định mới, theo đó thì các quan chức được bổ nhiệm ghế lãnh đạo phải trải qua một cuộc thi ngoại ngữ nhưng không nói rõ là ngoại ngữ nào.
Theo đề án có tên “Học tập ngoại ngữ dành cho cán bộ các cấp”, bộ nội vụ yêu cầu là ngoài các chứng chỉ phải đệ nạp, giới quan chức phải thi môn ngoại ngữ khi được tuyển chọn hay lên chức. Cuộc thi sẽ gồm cả 3 phần: nghe, nói và viết được ngoại ngữ. Tuy nhiên các nam quan chức trên 55 tuổi sẽ được miễn sát hạch, và các nữ quan chức cũng sẽ được miễn, nếu hơn 50 tuổi.
Nếu đề án nảy được thủ tướng thông qua thì sẽ áp dụng ngay từ năm nay, hoặc trễ lắm là vào đầu năm tới.
3) THỊT HEO NƯỚC NGOÀI Ồ ẠT NHẬP CẢNG VÀO VIỆT NAM
Lượng thịt heo nhập cảng về Sài Gòn trong 6 tháng qua vẫn tiếp tục tăng mạnh nhằm bù đắp cho lượng heo nội địa bị sụt giảm vì dịch tả heo Phi châu.
Theo thống kê của cục hải quan Sài Gòn, trong 6 tháng qua, người dân Sài Gòn đã chi hơn 10 triệu Mỹ kim để nhập gần 6 ngàn tấn thịt heo từ ngoại quốc, tức gia tăng hơn 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Đa số thịt heo nhập là đến từ Brazil, Hoa Kỳ và một số nước Âu châu. Điều đáng chú ý là giá thịt heo ngoại chỉ vào khoảng 30 ngàn đồng một ký, rẻ hơn so với giá trong nước.
Tuy nhiên vì thói quen thích ăn “thịt tươi”, người dân Sài Gòn có vẻ không mặn mà cho lắm đối với thịt đông lạnh nhập về từ ngoại quốc.
4) SÔNG MEKONG KHÔ CẠN VÌ 8 ĐẬP THỦY ĐIỆN CỦA TRUNG CỘNG TÍCH TRỮ NƯỚC
Tổ chức Mekong Freedom Network của Thái Lan cho biết là sông Mekong đang bị khô cạn vì 8 đập thủy điện ở Hoa Lục đang tích trữ hơn 40 tỷ thước khối để phát điện và tưới ruộng.
Mực nước sông Mekong đã xuống mức thấp nhất trong mấy tháng qua, dẫn đến nạn hạn hán tại một số khu vực của Thái Lan. Sau nhiều ngày khảo sát, giới bảo vệ môi trường khẳng định Trung Cộng là thủ phạm gây đảo lộn môi trường khi giảm mức xả nước ở 8 đập thủy điện trên thượng nguồn. Điển hình là đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam chỉ xả khoảng 500 thước khối một giây, tức chỉ có 10% so với trước đây.
Trước tình trạng này, tổ chức Sông ngòi Quốc tế lên tiếng kêu gọi các nước trong khu vực như Việt Nam, Lào, Thái và Cam Bốt phải gia tăng nỗ lực kiểm soát việc khai thác sông Mekong. Tổ chức này cho biết là nhiều đoạn sông Mekong đang biến thành ghềnh đá, cồn cát với các loài thủy sản chết khô.
5) CAMPUCHIA BÁC BỎ TIN TỨC CHO TRUNG CỘNG THUÊ CĂN CỨ HẢI QUÂN
Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen, vào hôm qua đã mạnh mẽ bác bỏ nguồn tin là Campuchia đã ký một mật ước cho phép quân đội Trung Cộng đồn trú tại căn cứ hải quân Ream, thuộc vịnh Thái Lan.
Vào hôm Chủ nhật 21/7, nhật báo Wall Street Journal của Mỹ tiết lộ nguồn tin là hai nước Campuchia– Tàu đã ký mật ước cho phép Trung Cộng sử dụng căn cứ hải quân lớn nhất của Campuchia với thời hạn là 30 năm và sẽ gia hạn mỗi 10 năm. Ngoài ra, Trung Cộng đang thương thảo việc thuê mướn phi trường quân sự ở Dara Sakor, cách căn cứ Ream 66 cây số về hướng tây bắc. Đây là phi trường do một tập đoàn Trung Cộng xây dựng với hợp đồng thuê mướn 99 năm.
Trong lời phủ nhận, ông Hun Sen tuyên bố đây là sự bịa đặt tồi tệ nhất của các thế lực thù địch. Ông biện luận là hiến pháp Campuchia không cho phép quân đội ngoại quốc đồn trú trên đất nước này.
6) TRUNG CỘNG ĐƯA CÔN ĐỒ ĐẾN HÀNH HUNG NGƯỜI BIỂU TÌNH HỒNG KÔNG
Dư luận Hồng Kông đã tỏ ra phẫn nộ sau khi các hình ảnh thu được cho thấy là hàng trăm tên côn đồ bịt mặt và mặc đồ trắng đã dùng gậy gộc tấn công những người biểu tình vào tối Chủ nhật 21/7.
Một số nguồn tin cho biết, các tên côn đồ này là thành viên của băng đảng xã hội đen Tam Hoàng – Hồng Kông (một Thế Lực Xã Hội Đen Bí Ẩn Và Nguy Hiểm Nhất từ Trung Hoa Đại Lục), bị Trung Cộng mua chuộc từ nhiều năm qua. Hàng chục người biểu tình đã bị đánh trọng thương bởi các nhóm này vào tối Chủ nhật, trước sự chứng kiến của cảnh sát Hồng Kông. Các hình ảnh quay được cho thấy đám côn đồ áo trắng sau đó tẩu thoát trên các chiếc xe mang bảng số Hoa Lục.
Hãng tin Reuters dẫn lời giới hữu trách bệnh viện đưa tin có 45 người bị thương trong vụ bạo lực tại nhà ga, trong đó có một người đang trong tình trạng nguy kịch.
Vào hôm qua, một số nghị viên thuộc phe dân chủ Hồng Kông đã mở cuộc họp báo, trình bày các bằng chứng và cáo buộc lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã làm ngơ trước sự tấn công hung bạo của đám tay sai Trung Cộng.
7) ANH ĐIỀU ĐỘNG TÀU NGẦM VÀ BIỆT KÍCH ĐẾN VỊNH BA TƯ
Lò lửa Trung Đông càng thêm nóng bỏng sau khi chính phủ Anh quyết định điều động một số tàu ngầm nguyên tử và biệt kích đến vịnh Ba Tư để đối phó với Iran.
Một tờ báo Anh cho biết các tàu ngầm Astute hiện đại nhất sẽ được gửi đến vịnh Ba Tư để bảo vệ các tàu thuyền qua lại ở vùng biển này. Ngoài ra, một số biệt kích Anh cũng được tăng phái đến Trung Đông để thu thập tin tức về các hoạt động quân sự của Iran và hộ tống các tàu thuyền của nước Anh.
Trong khi đó, Iran loan báo đã bắt được 50 điệp viên của Hoa Kỳ và đã hành quyết 17 người. Tuy nhiên giới chức Hoa Kỳ chưa đưa ra lời bình luận nào về loan báo nói trên.