Mở đầu chương trình, mời quý vị cùng theo dõi phần Tin Tức với Mỹ Linh và Bá Cơ.
1) MỘT TÀI XẾ BỊ BỎ TÙ VÌ PHẢN ĐỐI BÓT LỘ PHÍ AN SƯƠNG
Ông Vũ Ngọc Hoàng, một tài xế tham gia vụ phản đối trạm thu phí An Sương, đã bị TAND thành Hồ tuyên án 18 tháng tù với cáo buộc “cố ý phá hoại tài sản”.
Theo cáo trạng, ông Hoàng là tài xế cho một công ty tư nhân ở quận 9. Vào tối ngày 5/3 vừa qua, ông Hoàng đã lái một xe container lao vào trạm An Sương, húc gẫy thanh chắn của trạm. Sau khi được trình báo, công an đã bắt giam ông Hoàng vào ngày 15/5.
Ông Hoàng không phải là người duy nhất phản đối trạm thu phí An Sương đã hết hạn thu phí cũng như nằm sai chỗ. Từ năm 2017,thanh tra nhà nước cũng xác nhận trạm này có nhiều sai phạm, trong đó có việc khai gian phí tổn đầu tư gần 2 tỷ đồng. Gần hai năm qua, trạm An Sương đã nhiều lần phải xả trạm vì vấp sự chống đối của giới tài xế và cư dân quanh trạm.
2) CÔNG TY NIKE QUYẾT ĐỊNH RÚT LUI KHỎI VIỆT NAM
Tình trạng căng thẳng trong cuộc thương chiến Mỹ – Hoa đã khiến cho công ty Nike quyết định rời khỏi Việt Nam, theo nguồn tin của thông tấn xã thương mại Bloomberg vào hôm qua, thứ Hai 15/7.
Theo nguồn tin này thì công ty Elact Textile, nhà sản xuất quần áo thể thao cho Nike, đã rút khỏi Hoa Lục từ năm 2016 và quyết định chuyển cơ xưởng sang Việt Nam. Tuy nhiên do ảnh hưởng của cuộc thương chiến Mỹ – Tàu hiện nay, công ty Elact Textile quyết định đóng cửa các cơ xưởng ở Việt Nam. Lý do chính là công ty không muốn đặt cơ xưởng sản xuất tại một nước duy nhất, dễ dẫn đến thiệt hại nếu cuộc thương chiến lan rộng, đặc biệt là sau lời cảnh cáo của Tổng thống Donald Trump về sự lạm dụng của Việt Nam trong cuộc thương chiến Mỹ – Tàu.
3) CÁC CÔNG TY MỸ GẶP KHÓ KHĂN KHI LÀM ĂN Ở VIỆT NAM
Trong báo cáo mới nhất, bộ ngoai giao Mỹ cho biết là các công ty Mỹ tiếp tục gặp phải khó khăn khi làm ăn ở Việt Nam, dù nhà nước VN đã cố cải thiện hệ thống luật pháp và thu hút đầu tư.
Theo báo cáo thì mặc dù Việt Nam đang thu hút rất nhiều đầu tư từ ngoại quốc, nhưng các công ty Mỹ vẫn vấp phải các khó khăn như luật lệ chồng chéo, giới chức trách diễn giải luật pháp một cách tùy tiện và vấn nạn tham nhũng. Theo đánh giá của bộ ngoại giao Mỹ thì hệ thống pháp lý của Việt Nam còn nhiều yếu kém, chưa bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ, thiếu hụt công nhân tay nghề cao và cơ sở hạ tầng vẫn còn lạc hậu. Nhưng nghiêm trọng nhất là nạn hối lộ vẫn ở mức độ cao.
Theo một kết quả khảo sát của phòng thương mại Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, cho thấy các công ty Mỹ đều nhận định là việc thực thi luật pháp ở Việt Nam không công bằng và thiếu tính độc lập.
4) XÁC HEO CHẾT VÌ DỊCH TẢ TRÔI TRÊN SÔNG RẠCH QUẢNG NAM
Trong mấy ngày qua, hàng chục xác heo chết vì dịch tả heo Phi châu đã nổi trên các con kênh ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Theo các hình ảnh được giới phóng viên ghi nhận vào hôm qua, thứ Hai 15/7, tại một đoạn kênh ở hai thôn An Dưỡng và An Thái của xã Bình An, có hàng chục xác heo đang phân hủy, gây ô nhiễm nặng nề.
Đồng thời, dọc theo con kênh dài 2 cây số, chạy dọc theo quốc lộ 1 A, cũng có nhiều xác heo chết trôi .
Hiện dịch tả heo Phi châu vẫn đang hoành hành ở tỉnh Quảng Nam, có hơn 12 ngàn con heo đã bị tiêu hủy trong 3 tháng qua. Trong khi đó tại tỉnh Đồng Nai, nơi có đàn heo lớn nhất nước, dịch này đã lan rộng ra toàn tỉnh, khiến hơn 90 ngàn con heo bị tiêu hủy trong vòng 2 tháng qua.
5) NỮ TỔNG ĐỐC HỒNG KÔNG LẠI MẮNG MỎ NGƯỜI BIỂU TÌNH
Vào hôm qua, thứ Hai 15/7, bà Carrie Lâm, tổng đốc Hồng Kông, lại gọi những người biểu tình giao chiến với cảnh sát vào cuối tuần qua là những “kẻ bạo loạn” và kêu gọi cảnh sát phài trừng trị những người này. Bà Lâm tuyên bố như trên khi đến bệnh viện thăm hỏi 3 cảnh sát bị thương trong cuộc trấn áp người biểu tình vào hôm Chủ nhật 14/7.
Như tin đã loan, hồi tháng 6, bà Lâm đã phải ngỏ lời xin lỗi sau khi đưa ra lời kết án tương tự, dẫn đến cuộc xuống đường của hơn 2 triệu người dân Hồng Kông đòi huỷ bỏ dự luật dẫn độ và yêu cầu bà Lâm phải từ chức.
Hiện làn sóng biểu tình tại Hồng Kông vẫn tiếp diễn suốt mấy tuần qua, hàng chục ngàn người tiếp tục xuống đường vào hôm Chủ nhật, và đã giao chiến với cảnh sát khiến 28 người bị thương, trong đó có 10 cảnh sát viên.
6) TRUNG CỘNG DE DỌA CÁC CÔNG TY MỸ BÁN VŨ KHÍ CHO ĐÀI LOAN
Trung Cộng vào hôm qua lên tiếng đe dọa là sẽ cắt đứt mọi giao dịch với các công ty Mỹ đang bán vũ khí cho Đài Loan.
Như tin đã loan, tuần trước bộ ngoại giao Mỹ đã chấp thuận việc bán cho Đài Loan 108 xe tăng Abrams do công ty General Dynamics sản xuất, và 250 hỏa tiễn cầm tay Stinger do công ty Raytheon sản xuất.
Vào hôm qua, thứ Hai 15/7, bộ ngoại giao Trung Cộng tuyên bố việc bán vũ khí cho Đài Loan là vi phạm luật pháp quốc tế và gây tổn hại đến nền an ninh quốc phòng Trung Cộng. Chính vì thế nhà nước và các công ty Trung Cộng sẽ đình chỉ mọi giao dịch và quan hệ với hai công ty Mỹ nói trên. Một ngày trước đó, tờ Nhân dân nhật báo, đã liệt kê một số công ty Mỹ sẽ bị Trung Cộng trừng phạt, trong đó có công ty Honeywell, nhà sản xuất động cơ cho xe tăng Abrams.
7) MÃ LAI TỊCH THU 240 TRIỆU MỸ KIM CỦA TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ TRUNG CỘNG
Vào hôm qua, chính phủ Mã Lai loan báo quyết định thu hồi 240 triệu Mỹ kim trong dự án đường ống khí đốt do một tập đoàn dầu khí Trung Cộng đang xây dựng dang dở tại Mã Lai.
Đây là dự án có phí tổn đầu tư lên đến 2 tỷ 300 triệu Mỹ kim, mà nhà thầu là một công ty con của tập đoàn Dầu khí Trung Cộng. Giải thích cho việc thu hồi 240 triệu Mỹ kim, Thủ tướng Mã Lai Mahathir Mohamad cho biết là 80% phí tổn đã được chuyển cho nhà thầu Trung Cộng nhưng dự án chỉ mới hoàn thành có 13%, vì thế phải thu hồi số vốn đã chi ra.
8) SẼ ĐÓNG CỬA 4 MỎ VÀNG DO TRUNG CỘNG KHAI THÁC Ở TRUNG PHI
Quốc hội Cộng hòa Trung Phi vào hôm qua đề nghị đóng cửa 4 mỏ vàng mà Trung Cộng đang khai thác tại nước này, sau khi có báo cáo cho thấy các mỏ này đang gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường.
Trong báo cáo mới nhất, quốc hội Trung Phi dùng những cụm từ như “thảm họa sinh thái”, “ô nhiễm sông ngòi” và “sức khỏe người dân đang bị đe dọa” khi nói về tình trạng ô nhiễm của các mỏ vàng nói trên. Báo cáo cũng khẳng định là mỏ vàng của công ty Trung Cộng tại Bozoum, kế cận thủ đô Ouham-Pendé, không mang lại lợi ích nào cho nền kinh tế Trung Phi, ngược lại còn gây ra thàm họa về môi trường.
Báo cáo kết luận là: cần phải đình chỉ việc khai thác ngay lập tức và vô điều kiện để cứu vãn môi trường. Báo cáo cho biết thêm là dòng sông Ouham bị ô nhiễm nặng, các loài thủy sản bị diệt sạch và tỷ lệ tử vong của cư dân quanh mỏ vàng quá cao kể từ khi mỏ vàng được khai thác.