QuanDiem14072017
Thưa quý thính giả,
Trong những nước theo chủ nghĩa cộng sản, cái gọi là “quốc hội” không hơn không kém chỉ là một cơ cấu ngoại vi của đảng CS. Mục tiêu của cơ cấu này chỉ để chứng tỏ với bên ngoài là chế độ có dân chủ, tôn trọng “tam quyền phân lập”. Kỳ thực đây chỉ là một “con dấu cao su” để hợp pháp hoá các quyết định mà Đảng đưa ra. Đây cũng chính là thực chất của cái gọi là Quốc hội trong chế độ CSVN.
Tuy nhiên, trước trào lưu tiến hoá của nhân loại, và vì nhu cầu giao tiếp với các nước bên ngoài, đảng CS bắt buộc phải chấp nhận một số cải tổ để giảm bớt tính chất “con dấu cao su” đó của Quốc hội. Vì vậy, bắt đầu từ kỳ họp giữa năm 1994 của Quốc hội khóa IX, lần đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn.
Sáu năm sau, kể từ Quốc hội Khoá XI vào đầu năm 2000, Đảng CS lại “mở cửa” Quốc hội rộng hơn một mức nữa, bằng cách cho phóng viên báo chí tham dự, đưa tin nội dung các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Nguyễn Văn An, chủ tịch quốc hội lúc bấy giờ đã giải thích lý do dẫn đến quyết định này như sau (xin trích) “Đã là đại biểu của dân thì chúng ta phát biểu gì, chính kiến thế nào dân phải được biết. Tôi quyết định để báo chí vào đưa tin nhằm minh bạch hóa hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu báo chí đưa tin sai thì xử lý theo pháp luật, còn nếu đại biểu phát biểu thiếu chuẩn mực bị đưa lên thì khó có thể trách báo chí” (hết trích).
Trong bối cảnh tương đối thoáng đó, vì biết tiếng nói của mình được dân chúng theo dõi và đánh giá, một số đại biểu đã mạnh dạn phát biểu ý kiến có nội dung chỉ trích chế độ. Trong số này phải kể đến ông Ngô văn Minh, đại biểu tỉnh Quảng Nam, đã phê bình thẳng thừng sự yếu kém của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trong vụ án Trịnh Xuân Thanh ngày 17 tháng 11 năm 2016. Tương tự, đại biểu Lê văn Lai cũng của tỉnh Quảng Nam, đã chỉ trích gay gắt thái độ im lặng của nhà cầm quyền CSVN trước các hành động xâm lấn Biển Đông của Trung Cộng trong buổi thảo luận ngày 1 tháng 4 năm 2016.
Và mới đây nhất, vào ngày 9 tháng 6 vừa qua, là các phát biểu mạnh mẽ, được báo giới đánh giá là “làm nóng hội trường” của đại biểu tỉnh Bến Tre Đặng Thuần Phong khi ông nêu ra 6 vấn đề “bất an của người Việt”, mà nội dung là chỉ trích cả hệ thống đảng và nhà nước CS đã gây cho đất nước thảm hoạ mọi mặt!
Có lẽ vì những ngôn từ của một số đại biểu có mùi “phản động” này mà ba hôm trước, vào Thứ Ba ngày 11 tháng 7, Đảng CSVN đã quyết định báo chí chỉ được dự 5 phút đầu để chụp hình. Quyết định này áp dụng cho tất cả các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó, các cơ quan báo chí sẽ chỉ được dự 5 phút đầu buổi làm việc để chụp ảnh, quay phim, chứ không được dự nghe thảo luận. Thay vì được theo dõi các phiên họp được truyền hình trực tiếp đến Trung tâm báo chí như trước đây, các phóng viên sẽ chỉ nhận được bản thông cáo báo chí sau các phiên họp.
Giải thích lý do dẫn đến quyết định này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, (xin trích) “Nhiều khi để anh em báo chí vào thì các đại biểu cũng ngại, phát biểu không hết. Có vấn đề tối mật không được nói với báo chí mà nói ra thì không hay, lại phải đề nghị báo chí không đăng tải” (hết trích).
Rõ ràng đây là một bước thụt lùi rất đáng phỉ nhổ của Đảng CSVN. Trong khi cộng đồng nhân loại ngày càng khai mở, đề cao sự trong sáng, thoáng đạt thì Đảng CSVN ngày càng co cụm, chối bỏ sự thật.
Nó nói lên sự run sợ của Đảng trước dư luận quần chúng và thái độ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, phản động. Nguyễn Hạnh Phúc viện dẫn lý do “bí mật quốc gia” để huỷ bỏ việc tham dự của báo chí trong các cuộc họp Quuốc hội cũng giống hệt như Nguyễn Đức Chung nêu lý do “vì an ninh quốc gia” để cấm người dân xã Đồng Tâm không được hỏi tại sao nhà nước cướp đoạt ruộng đất của người dân rồi bỏ trống! Đây chỉ là loại lý luận “cùn” mà Đảng dùng để lấp liếm, che đạy dã tâm tìm mọi cách để bảo vệ chiếc ghế “chủ nhân ông đất nước” một cách tuyệt đối và vĩnh viễn.
Thế nhưng, trong bối cảng thế giới ngày nay, thái độ sợ sự thật và hành động co cụm này của đảng CSVN, thay vì giúp bảo vệ đảng, thì chúng đã làm tăng thêm sự chán ghét, ghê tởm của dân chúng đối với chế độ, tức đã thúc đẩy thêm cao trào toàn dân đấu tranh loại bỏ tập đoàn thống trị “hèn với giặc, ác với dân”./.
LLCQ